Cả nước đón khoảng 10,5 triệu lượt khách 5 ngày nghỉ, trong đó TP HCM có gần 2 triệu lượt, doanh thu gấp đôi năm ngoái và Thanh Hóa có lượng khách, doanh thu cao hơn Hà Nội.
Kỳ nghỉ 5 ngày dịp 30/4 năm nay cũng đánh dấu cột mốc về số lượt khách đi tham quan, du lịch nhiều nhất kể từ sau dịch, với hơn 10,5 triệu lượt khách, tăng hơn 31% so với cùng kỳ 2024.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, hầu hết các điểm du lịch trọng điểm trên cả nước đều ghi nhận tín hiệu tích cực với lượng khách tăng mạnh, từ 50 đến 100%, so với cùng kỳ 2024. TP HCM, nơi diễn ra sự kiện lớn nhất nước dịp này, thu hút gần 2 triệu lượt khách. Các tỉnh thành khác cũng đón lượng khách cao trên một triệu lượt là Thanh Hóa (1,6 triệu lượt), Quảng Ninh (1,1 triệu ), Khánh Hòa (1 triệu).
Về doanh thu du lịch, TP HCM vẫn dẫn đầu của cả nước khi trong 5 ngày nghỉ lễ thu về hơn 7.100 tỷ đồng, Thanh Hóa đứng thứ hai với doanh thu gần 4.200 tỷ đồng.
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm ngoái, Thanh Hóa là địa phương có doanh thu du lịch cao nhất nước, với hơn 3.800 tỷ đồng. TP HCM đứng thứ hai (hơn 3.200 tỷ đồng), Hà Nội đứng thứ ba (2.500 tỷ đồng).
Kiên Giang không nằm trong danh sách các tỉnh thành đón nhiều khách nhất đợt này, với hơn 300.000 lượt, nhưng vẫn là một điểm sáng khi có doanh thu nằm trong top cao, với gần 1.000 tỷ đồng.
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt khoảng 70% trên cả nước, theo Cục Du lịch. Trong những ngày đầu nghỉ lễ, đặc biệt là hai ngày 30/4-1/5, công suất phòng đạt trên 80%. Trong đó, nhiều điểm đến ven biển và TP HCM đạt tỷ lệ kín phòng 90-95%.
Về lĩnh vực vận chuyển, để phục vụ nhu cầu đi lại trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet đã tăng cường khoảng 20% chuyến bay khung giờ từ 23h đến 5h, góp phần bổ sung, tăng tải cung ứng. Trong kỳ nghỉ lễ năm nay, Vietnam Airlines cung ứng hơn 610.000 chỗ, tương đương hơn 3.200 chuyến bay nội địa, Vietjet cung ứng gần 620.000 ghế, tương đương với gần 500 chuyến bay nội địa; tăng lần lượt 35% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành Đường sắt tăng thêm các chuyến tàu từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Đồng Hới, Hải Phòng, Lào Cai và ngược lại từ TP. HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn. Trong dịp lễ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy đôi tàu mang tên "Đoàn tàu Thống Nhất" với mong muốn lan tỏa niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới của đất nước và của các doanh nghiệp Việt.
Các bến cảng thủy nội địa đã tăng thêm các chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc, phục vụ khách du lịch và người dân dịp nghỉ lễ. Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ, Quảng Ninh đã đón đoàn gần 1.700 du khách Nhật Bản đầu tiên tới Hạ Long bằng siêu du thuyền.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày cùng với nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động, lễ hội được các địa phương, doanh nghiệp tổ chức đồng loạt nên hầu hết các điểm đến đã đón lượng khách nhiều hơn, thời gian lưu trú dài hơn, doanh thu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Số lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn.
An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo. Sau lễ diễu binh, diễu hành, người dân và du khách đã cùng dọn rác trên một số tuyến đường tại TP HCM, đem lại hình ảnh Việt Nam sạch đẹp, văn minh, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách quốc tế có mặt tại lễ kỷ niệm trọng đại này, Cục Du lịch cho biết.
Nguồn
Bình luận (0)