Các tế bào bạch cầu, kháng thể, hạch bạch huyết và một số thành phần khác cấu thành nên hệ miễn dịch. Có nhiều nguyên nhân khiến hệ miễn dịch suy yếu, từ lối sống, ăn uống đến một số rối loạn. Trong đó, có những rối loạn là kết quả của yếu tố môi trường, số khác là do bẩm sinh, theo theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Hệ miễn dịch yếu sẽ kèm theo các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa như thường xuyên tiêu chảy, chướng bụng hoặc táo bón
Ảnh minh họa: AI
Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, người mắc sẽ có những biểu hiện sau:
Thường xuyên viêm nhiễm
Đây là một trong những dấu hiệu thể chất phổ biến nhất của những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh viêm nhiễm họ thường mắc là viêm phổi, viêm phế quản và nhiễm trùng da. Không những dễ mắc bệnh mà khi đã mắc thì khó điều trị hơn và cần nhiều thời gian để bình phục.
Ruột đóng vai trò cực kỳ quan trọng với hệ miễn dịch. Do đó, hệ miễn dịch yếu sẽ kèm theo các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa như thường xuyên tiêu chảy, chướng bụng hoặc táo bón.
Hệ miễn dịch yếu khiến vết thương chậm lành
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ phản ứng nhanh với các vết thương trên da. Tế bào bạch cầu nhanh chóng được đưa đến đến vị trí vết thương để chống nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình làm lành.
Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch của bạn yếu thì quá trình này sẽ bị ảnh hưởng. Các vết thương dù nhỏ như vết cắt, bỏng trên da cũng có thể chậm lành hơn, khiến vết thương dễ bị nhiễm trùng và biến chứng.
Cơ thể mệt mỏi kéo dài và yếu sức
Cơ thể mệt mỏi và yếu sức kéo dài cũng là dấu hiệu thể lý phổ biến khác của hệ miễn dịch yếu. Cảm giác mệt mỏi đôi khi dữ dội.
Ngoài ra, họ còn trải qua cảm giác cực kỳ mệt mỏi sau khi tập thể dục. Nếu gặp phải căng thẳng mạn tính thì trí nhớ, khả năng suy nghĩ sẽ suy giảm đáng kể, đôi khi kèm theo chóng mặt. Tình trạng này kéo dài hơn 6 tháng thì người mắc nên đến bác sĩ kiểm tra.
Lối sống ít vận động
Không chỉ các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, căng thẳng kéo dài mà lối sống cũng góp phần làm hệ miễn dịch bị suy yếu. Ít vận động, không tập thể dục trong thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn chức năng hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và nhiều bệnh.
Để củng cố hệ miễn dịch đang suy yếu, người mắc cần bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc giàu protein như thịt bò, gà. Đặc biệt, vitamin C là loại khoáng chất không thể thiếu với chức năng miễn dịch.
Ngoài dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường miễn dịch. Vận động sẽ kích thích cơ thể tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn, nhờ đó cải thiện khả năng chống chọi với bệnh tật, theo Medical News Today.
Nguồn: https://thanhnien.vn/4-cach-giup-nhan-biet-he-mien-dich-dang-suy-yeu-18524011012053983.htm
Bình luận (0)