Xây dựng nền văn học nghệ thuật toàn diện
Cách đây 50 năm, những văn nghệ sĩ hoạt động trong nội thành, có cảm tình với cách mạng như: Thế Vũ, Võ Hồng, Nguyễn Hoàng Thu, Lê Ký Thương, Trần Vạn Giã… đã cùng với những văn nghệ sĩ từ chiến khu và miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở về như: Đào Xuân Quý, Giang Nam, Đỗ Anh Tịnh… để hình thành nên lớp văn nghệ sĩ đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa sau ngày đất nước thống nhất. Phát huy tinh thần đoàn kết, tình cảm, trách nhiệm đối với quê hương, đội ngũ văn nghệ sĩ Khánh Hòa luôn miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật nhằm đưa đến cho công chúng những tác phẩm VHNT có giá trị nghệ thuật, mang tính nhân văn cao cả. Từ năm 1975 đến nay, văn nghệ sĩ Khánh Hòa đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm đạt được những giải thưởng lớn trong nước, quốc tế.
Hoạt động văn học nghệ thuật đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. (Ảnh minh họa) |
Theo nhà văn Hoàng Nhật Tuyên - nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, trong suốt 50 năm qua, lĩnh vực sáng tác văn học của tỉnh ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng tác giả, tác phẩm. Các thể loại văn học ngày càng phong phú, đề tài mở rộng, từ đó các tác phẩm văn học ngày càng được công chúng quan tâm, yêu thích, tìm đọc nhiều hơn. Sau năm 1975, đội ngũ nhà thơ, nhà văn ở Khánh Hòa tiếp tục phát triển với các cây bút như: Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Đồng Xuân Lan, Cao Linh Quân, Đỗ Kim Cuông, Đặng Triệu Phong, Ngô Xuân Hội, Quý Thể, Hoàng Nhật Tuyên...
Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức - nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết, mặc dù về mặt tổ chức có nhiều thay đổi, nhưng suốt chặng đường 50 năm qua, lực lượng làm công tác sân khấu ở Khánh Hòa đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển VHNT. Hằng năm, các đoàn nghệ thuật sân khấu của tỉnh đã liên tục tổ chức các buổi diễn phục vụ nhân dân. Công tác nghiên cứu, sáng tác kịch bản sân khấu cũng được quan tâm, đẩy mạnh với sự đóng góp của các tác giả: Mịch Quang, Nguyễn Sỹ Chức, Lê Nhị Hà, Nguyễn Thế Khoa…
Ngoài 2 chuyên ngành nêu trên, các chuyên ngành khác như: Mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, văn nghệ dân gian cũng có sự trưởng thành vượt bậc và để lại dấu ấn sâu sắc đối với công chúng. Những ca khúc như: Mừng Nha Trang giải phóng (Hoàng Thơ Huy), Nha Trang mùa thu lại về (Văn Ký), Nha Trang thành phố tôi yêu (Văn Dung)… đã đặt nền móng bước đầu cho thời kỳ âm nhạc tự do, độc lập của Khánh Hòa. Nhiều tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Khánh Hòa đã được lựa chọn để dàn dựng trong các chương trình nghệ thuật, lễ kỷ niệm lớn của tỉnh, cũng như của đất nước. Với chuyên ngành nhiếp ảnh, từ tổ sáng tác ảnh nghệ thuật đầu tiên được thành lập năm 1981, đến nay số lượng hội viên nhiếp ảnh thuộc Hội VHNT tỉnh đã có hơn 60 người. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh được phong các tước hiệu cao quý của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế FIAP. Những năm đầu sau ngày đất nước giải phóng, số lượng họa sĩ, nhà điêu khắc hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp ở Khánh Hòa chưa nhiều. Nhưng đến nay, đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc ngày càng phát triển, nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc có năng lực, trình độ chuyên môn, được đào tạo đã góp phần tạo nên diện mạo đa dạng trong hoạt động mỹ thuật Khánh Hòa, góp phần đắc lực vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Về chuyên ngành văn nghệ dân gian, những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian cũng không ngừng phát triển cả về số lượng tác giả lẫn chất lượng các công trình nghiên cứu khi nhận được nhiều giải thưởng do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng hằng năm.
Cảm hứng yêu nước làm chủ đạo
Tìm hiểu về hoạt động VHNT của tỉnh trong 50 năm qua, điều dễ nhận thấy chính là có một số lượng lớn tác phẩm được sáng tác từ cảm hứng yêu nước với các đề tài về chủ nghĩa yêu nước, nhân văn, gắn bó sâu sắc với vận mệnh của dân tộc. Mỗi tác phẩm VHNT vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị. Ngoài ra, văn nghệ sĩ còn khai thác các đề tài phản ánh chân thật cuộc sống lao động, nhiều góc cạnh đời thường. Bên cạnh chủ đề chiến tranh cách mạng vẫn chiếm vị trí quan trọng, việc xây dựng cuộc sống mới, tìm hiểu những giá trị văn hóa địa phương, những vấn đề xã hội, đời sống hằng ngày... cũng được nhiều văn nghệ sĩ chú ý. Những năm gần đây, chủ đề được các văn nghệ sĩ quan tâm sáng tạo là quá trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp.
Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, trong 50 năm qua, hoạt động VHNT của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện với những bước phát triển mới mang tính chuyên nghiệp hơn. Đội ngũ văn nghệ sĩ bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, phản ánh sinh động, đa dạng thực tiễn phát triển của quê hương, đất nước. Hoạt động phổ biến, sáng tác, quảng bá tác phẩm ngày càng phát triển phong phú, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong thời gian tới, hoạt động VHNT tập trung khơi dậy, phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý thức tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo. Mục tiêu chung là VHNT phải đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng con người Khánh Hòa có nhân cách, lối sống tốt đẹp.
Để đạt được điều đó, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội VHNT tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh cần đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương thức tổ chức hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân; khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động VHNT cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ phù hợp với tình hình thực tế; các cơ chế có tính đột phá phát triển hoạt động VHNT...
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 8 văn nghệ sĩ là hội viên Hội VHNT tỉnh được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT, gồm: Cố nhà thơ Giang Nam, cố nhạc sĩ Tố Hải, cố nhạc sĩ Văn Chừng, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, nhạc sĩ Hình Phước Long, nhà nghiên cứu Mịch Quang, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu, nhạc sĩ Hình Phước Liên. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, có 5 nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (Thu Hà, Kim Hùng, Xuân Hùng, Phùng Thị Bình, Linh Nhâm) và 14 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
GIANG ĐÌNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/50-nam-van-hoc-nghe-thuat-xu-tram-aee1b46/
Bình luận (0)