Với tình yêu đất nước, con người Việt Nam, Giáo sư Hàn Quốc Ahn Kyong Hwan (Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội) đã lựa chọn một hành trình đặc biệt: Mang những giá trị tinh hoa của dân tộc Việt đến gần hơn với người dân Hàn Quốc. Từ những trang thơ bất hủ trong “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến vẻ đẹp ngôn từ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du hay những hồi ức đầy xúc động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Ahn Kyong Hwan đã cần mẫn chuyển ngữ từng con chữ, với tất cả sự trân trọng và thấu hiểu.
Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, ánh mắt của Giáo sư ánh lên niềm cảm phục sâu sắc. Ông không giấu được xúc động khi nhắc đến những tư tưởng nhân văn cao cả và lối sống giản dị, vĩ đại của Người. Với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là tấm gương sáng của trí tuệ, lòng bao dung và khát vọng vì hòa bình, những giá trị vượt lên mọi ranh giới quốc gia.
Đặc biệt khi dịch cuốn “Nhật ký trong tù”, ông càng hiểu và thấm thía lý tưởng, nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nhiều buổi giao lưu, thuyết giảng với sinh viên từ Việt Nam đến Hàn Quốc, chia sẻ về tập thơ, ông đều không giấu được niềm vinh dự, tự hào khi bày tỏ tình cảm dành cho Bác.
“Với tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng Người. Hiện tại, khi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nhớ mãi câu nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Giáo sư Ahn Kyong Hwan tâm huyết lan tỏa tác phẩm văn học của Việt Nam đến độc giả Hàn Quốc.
Hơn 1 năm bị giam giữ trong ngục tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ bị tước đoạt tự do, mà còn phải chịu đựng cái lạnh cắt da và cái đói hành hạ. Nhưng chính trong nghịch cảnh ấy, Người đã viết nên những trang “Nhật ký trong tù” đầy chất thép, chất tình, thấm đượm tinh thần cách mạng. Người cũng nung nấu một lời thề thiêng liêng: Chỉ cần được ra khỏi đây, Người nhất định sẽ đưa dân tộc mình đến với độc lập, tự do và hạnh phúc. Năm 1943, Bác Hồ được trả tự do. Và chỉ hai năm sau đó, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, giáo sư Ahn Kyong Hwan bày tỏ.
Nói về khó khăn khi dịch tập thơ “Nhật ký trong tù”, Giáo sư Ahn Kyong Hwan cười, ánh mắt đầy hoài niệm: “Tôi đã học chữ Hán trước đó, nên khi dịch không gặp nhiều khó khăn, vì bản gốc của tác phẩm được viết bằng tiếng Hán. Tôi đã đối chiếu hai bản tiếng Hán và tiếng Việt của tác phẩm để làm cơ sở biên dịch ra bản tiếng Hàn, tôi tin chắc rằng bản dịch tiếng Hàn tôi dịch là bản hoàn thiện nhất trong số các bản dịch trên thế giới”.
Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội, Giáo sư Ahn Kyong Hwan vinh dự nhận giải Đặc biệt cuộc thi “Hà Nội trong tôi”.
Song, điều khó khăn nhất khi dịch tác phẩm văn học, đó là phải thấu hiểu được trạng thái tâm lý của tác giả: Vì sao họ lại nhìn sự vật, hiện tượng dưới góc độ ấy. Chỉ khi hiểu được điều đó, bản dịch mới có hồn, mới chân thực. Cũng từ đó, vị giáo sư Hàn đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong công việc dịch thuật của mình. Ông nhớ lại những giây phút rung động trước hình ảnh một người tù với bao xiềng xích nhưng tâm hồn vẫn tự do và những lần tự đi tàu hoả về làng Sen quê Bác Hồ.
“Năm 2002, khi tôi bắt tay dịch “Nhật ký trong tù”, tôi đã một mình về huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại sao? Muốn hiểu “Nhật ký trong tù”, tôi cần hiểu tâm thế, hoàn cảnh, cội nguồn của người viết. Tôi nghĩ: ‘Mình phải thấy tận mắt đến nơi Bác sinh ra, mới phần nào thấu cảm được tâm hồn của Người qua từng câu thơ.’ Vậy là tôi lặng lẽ lên chuyến tàu từ Hà Nội, đi suốt 7 tiếng rưỡi đến ga Vinh. Sau đó bắt xe ôm, đi thêm 20 cây số để đến Làng Sen quê Bác. Đến nay tôi đã 8 lần vào thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Giáo sư Ahn bộc bạch.
Đặc biệt, sau khi hoàn thiện việc dịch vào năm 2003, Giáo sư Ahn đã mang đến Nhà xuất bản. Nhưng bị từ chối, Nhà xuất bản cho rằng cuốn sách sẽ không bán được, họ sẽ bị lỗ. Sau đó, Giáo sư Ahn đã tự bỏ tiền ra in 1.000 cuốn "Nhật ký trong tù" bản tiếng Hàn Quốc, tặng cho bạn bè trong cả nước. Ông mong muốn những người bạn của ông tại Hàn Quốc có thể hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai, là người như thế nào và được truyền cảm hứng thông qua những lý thưởng, câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Bây giờ Nhà xuất bản đồng ý xuất bản vì nhiều người mua. Tôi không nhớ cuốn ‘Nhật ký trong tù’ bản tiếng Hàn Quốc đã tái bản bao nhiêu lần, cả Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du...”, Giáo sư Ahn vui vẻ nói.
Hiểu sâu sắc giá trị của tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Ahn tin rằng những giá trị và ảnh hưởng của tác phẩm sẽ được lan tỏa ngày càng rộng rãi và chúng ta cần khuyến khích thế hệ trẻ sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại, bồi dưỡng “Nhân, Trí, Dũng vẹn toàn”. Ông luôn mong muốn được đóng góp một phần nhỏ trí lực của mình trong các hoạt động đó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Thị Ngân tiếp và trao Huân chương Hữu nghị cho Giáo sư Ahn Kyong Hwan năm 2018. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN.
Năm 2005, Giáo sư Ahn đã vận động 25 nhà thư pháp nổi tiếng của Hàn Quốc tham gia thể hiện các tác phẩm trong tập thơ “Nhật ký trong tù” và trao tặng tập thơ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh và vinh dự được trưng bày nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Bác. Đồng thời vận động tổ chức 5 cuộc triển lãm các tác phẩm thư pháp này trong thời gian 11 tháng, tại 5 thành phố lớn của Hàn Quốc là Seoul, Busan, Daegu, Mokpo và Gwangju. Năm 2010, ông đã tổ chức “Đêm hữu nghị Hàn - Việt nhân kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm văn hiến tại Nhà Quốc hội Hàn Quốc.
“Chỉ qua một cuốn sách, người Hàn Quốc có thể chưa hiểu nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như văn hóa của người Việt Nam, vì thế tôi đã làm nhiều Hội nghị, rồi luận án về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã tổ chức một sự kiện viết thư pháp, văn hoá Việt Nam và cả Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, nhiều người Hàn Quốc yêu Việt Nam và yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn. Sau này nhiều người Hàn Quốc cũng sáng tác, vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19, gặp khó khăn khi tổ chức hội thảo trực tiếp, tôi đã tổ chức hội thảo trực tuyến về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó, in các tham luận thành một cuốn sách và gửi cho 100 nghị sĩ của Hàn Quốc để các nhà chính trị tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh…”, GS giáo sư Ahn Kyong Hwan chia sẻ.
Những đóng góp không ngừng nghỉ của Giáo sư Ahn Kyong Hwan trong những năm qua suốt không chỉ góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế, mà còn bắc nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Hàn Quốc. Giữa tháng Năm đầy kỷ niệm và tri ân, chia sẻ của Giáo sư Ahn Kyong Hwan như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: Những giá trị vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang lặng lẽ lan tỏa, truyền cảm hứng và kết nối khắp năm châu.
Hồng Phượng/ Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn:https://baotintuc.vn/van-hoa/an-tuong-cua-giao-su-ahn-kyong-hwan-ve-chu-tich-ho-chi-minh-20250518213837683.htm
Bình luận (0)