Phóng viên: Ông coi khoảnh khắc bay và ném bom vào Dinh Độc Lập rồi về hạ cánh máy bay an toàn ở vùng giải phóng là “giờ bay của đời tôi”. Lúc ấy, cảm xúc của ông như thế nào?
Ném bom Dinh Độc Lập là hành động tôi đã dự kiến trước từ lâu. Mà muốn làm điều ấy, mình phải là phi công và phải được bay máy bay chiến đấu. Trải qua tuyển chọn thì tôi được Không quân Sài Gòn cho sang Mỹ đào tạo phi công từ năm 1968-1971.
Từ bé, cha tôi bị địch tra tấn dã man và hy sinh. Mẹ và các cậu đã chuyển đổi họ tên của tôi, làm khai sinh mới lấy họ Nguyễn. Vì thế mà tôi không bị nghi ngờ gì khi làm cho quân đội Sài Gòn.
Đến năm 1975, nhằm huy động mọi lực lượng, mọi khả năng cùng quân dân cả nước nhanh chóng đập tan chính quyền Sài Gòn, Ban binh vận Miền (người liên lạc là chú Bảy Lương và anh Năm Thiện) đã chỉ thị cho tôi chọn thời cơ phù hợp ném bom vào dinh Độc Lập rồi bay ra vùng giải phóng.
Ngày 8/4, tốp máy bay F-5E của Không đoàn 540, trong đó có máy bay tôi lái được lệnh rời căn cứ liên hợp Biên Hòa đi ném bom yểm hộ cho bộ binh ở Phan Rang. Tôi nghĩ đây là thời cơ, nên khi chuẩn bị cất cánh, tôi đã xin phép chỉ huy biên đội được phép cất cánh chậm vài giây để có điều kiện tách ra khỏi biên đội, cất cánh khỏi sân bay Biên Hòa, tăng độ cao hướng thẳng về phía Sài Gòn...
Khi đã nhìn rõ dinh Độc Lập, tôi ném hai quả bom vào phía sân bên cạnh tòa nhà. Tôi tiếp tục quay vòng lại ném vào khu phía phải của tòa Dinh Độc Lập và trúng mục tiêu.
Lúc ném bom vào Dinh Độc Lập, tôi chỉ nghĩ là mình cần phải thực hiện ý định táo bạo từ lâu. Quan trọng nhất là mình phải tính toán cho đúng, chính xác, ném cho trúng. Cách mạng của ta đều biết tôi sẽ ném bom vào Dinh Độc Lập và đã chuẩn bị trước hết mọi tình huống. Tiếng nổ tại Dinh Độc Lập khi đó là cần thiết, và nhiệm vụ của mình phải làm cho quả bom nổ.
May mắn, cách mạng chúng ta đã giải phóng sân bay Phước Long nên sau khi ném xong, tôi báo cáo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và quay về Phước Long để hạ cánh. Đó là một sân bay dã chiến nhỏ, vừa được giải phóng, đường băng rất ngắn. Nhưng nhờ được thử nghiệm trước đó, tôi đã cho chiếc F-5E dừng ở mốc 900m. Chỉ trượt thêm chừng hơn 100 m nữa thì máy bay và tôi cũng không còn.
Khi tôi xuống máy bay, có đơn vị bộ đội ra đón. Tôi không nhớ đó là ai. Nhưng cảm xúc lúc đó thật sự vỡ òa. Đó là cảm xúc đúng nghĩa trở về với đồng đội.
Phóng viên: Trận ném bom thứ 2 được tổ chức bài bản hơn, khi đó ông đã lộ diện là người của cách mạng. Phi đội Quyết thắng đi vào lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam và ông là một thành viên làm nên lịch sử. Sức mạnh nào khiến ông tự tin tiếp tục đối đầu với kẻ thù?
Trong đời tôi có 2 trận ném bom. Trận ném bom vào Dinh Độc Lập thì “một mình. một ngựa” làm, tự mình quyết và đó là lúc mình chính thức lộ diện.
Sau chuyến đó, tôi được điều ra sân bay Chu Lai để cùng học chuyển loại máy bay A37. Sau một tuần huấn luyện, chúng tôi được đưa vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Đúng 18 giờ ngày 28/4, chúng tôi dẫn đầu đoàn bay, điều khiển 5 chiếc A37 bay vào Sài Gòn, trút bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Trận thứ 2, chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng, có máy bay, có phi công, có sân bay cất và hạ cánh. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đánh sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng được lệnh cấp trên không ném đường băng để cho Mỹ có cơ hội rút lui. Mỹ càng rút lui sớm chừng nào, tốt chừng ấy. Vì thế, chúng tôi chỉ ném vào khu đỗ máy bay, phá hủy nhiều máy bay quân sự, ngăn không quân Việt Nam Cộng hòa sử dụng căn cứ Tân Sơn Nhất đem máy bay oanh tạc vào vùng chiến địa đã sát nách Sài Gòn. Hai ngày sau, mình giải phóng miền nam.
Với tôi, trận ném bom nào cũng nhiều cảm xúc, cũng xác định mình có thể một đi không trở về.
Phóng viên: Hai lần ném bom vào vị trí trọng yếu là Dinh Độc Lập và Sân bay Tân Sơn Nhất mà vẫn an toàn trở về, ông có nghĩ mình là người có mạng lớn không?
Đánh nhau phải có chuẩn bị mấy phương án. Một là đánh trót lọt không việc gì. Hai là đánh không trót lọt, bị máy bay địch ngăn cản.
Tôi nghĩ, việc tôi làm cũng rất đặc biệt đấy. Khi đó, mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, còn những việc có thể xảy ra thì phải chấp nhận. Ai bắn, ai rượt thì kệ. Khi đánh vào Dinh Độc Lập, tôi nghĩ máy bay của Không quân Sài Gòn sẽ cất cánh đuổi theo, nhưng sau khi ném bom xong, chỉ mình tôi thẳng cánh bay trên bầu trời Sài Gòn. Con F-5E tôi lái là máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất, bay tới 2 nghìn cây số/giờ, Không quân Sài Gòn không có máy bay nào rượt được.
Mạng mình xem ra rất lớn đấy. (Cười). Bởi vậy mà mình đã vượt qua được những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh, trong 2 trận ném bom lịch sử.
Phóng viên: Trong cuộc chia sẻ với báo chí mới nhất, ông nói nhiều về sự nặng lòng với dân và luôn mong muốn làm gì đó để chiến tranh chấm dứt, để người dân bớt khổ. Việc ném bom Dinh Độc Lập là một quyết định như vậy?
Nhưng muốn chấm dứt cuộc chiến rất khó, phải có một cú đánh thật mạnh. Mình là thanh niên lớn lên trong một đất nước chiến tranh, thì hành động của mình phải làm được cái gì dứt khoát.
Lúc đó, với sức của mình, tôi nghĩ chỉ có cơ hội dùng bom chấm dứt cuộc chiến này. Còn để nói có tự hào để làm chấm dứt hay không thì tôi không tự hào. Mỗi người dân phải có trách nhiệm phải làm cho đất nước, làm đúng chỗ mình có thể làm. Như việc ném bom, tôi nghĩ là ném đúng đầu não của Dinh Độc Lập, may ra tác động được mấy đầu lạnh để cuộc chiến chấm dứt. Và rõ ràng khi dùng bom đánh vào Dinh Độc Lập đã ảnh hưởng rất lớn đến chính quyền của Việt Nam Cộng hòa, làm mọi thứ rối loạn.
Phóng viên: Khi ném bom vào Dinh Độc Lập ông vẫn đang là một phi công của chính quyền Sài Gòn. Ném bom xong, ông chạy được về vùng giải phóng, nhưng còn đó bao nỗi lo canh cánh?
Tôi biết mình là phi công chế độ Sài Gòn, ném bom vào Dinh Độc Lập thì phía bên kia sẽ lên án mình, chửi mình phản bội.
Nhưng cuộc chiến này có 2 mặt, một mặt là nhân dân, một mặt là chính quyền mình đang làm. Tôi nghĩ việc mình ném bom vào chính quyền Sài Gòn sẽ được nhân dân ủng hộ nhiều hơn. Còn việc chính quyền Sài Gòn sẽ lên án thì tôi không quan tâm, những gì họ nói tôi đều nghe cả. Tôi chỉ nghĩ nhiều việc mình muốn làm và làm có đạt hay không, có đạt mục tiêu sớm chấm dứt cuộc chiến này cho dân đỡ khổ không, thì tôi thấy mình đã làm được.
Điều này, ngay khi còn trẻ, tôi đã nghĩ như thế. Và cuối cùng, tôi cũng đã thực hiện được đúng ý nguyện của mình.
Sau vụ ném bom chấn động, gia đình tôi gồm vợ và 2 con gái còn nhỏ xíu, bé thứ 2 mới 8 tháng tuổi bị bắt vào khám 9, cho đến giải phóng mới được thả ra. Mọi người hỏi tôi sao không thu xếp cho vợ con chỗ an toàn trước. Nhưng không ai làm việc đó cả. Đưa vợ con đi chưa chắc đã an toàn mà nếu mình manh động, lại càng bị nghi ngờ. Khi làm gì, tôi cũng không nói với vợ vì không biết mình làm được hay không, nói trước lại nhiều bất trắc.
Khi hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao, ném bom vào Dinh Độc Lập, tôi không lo cho mình lắm, nhưng lo cho người ở nhà. Sau cú ném bom đó, tôi biết vợ con bị giam cầm, cũng đứng ngồi không yên. Nhưng lo cũng không làm gì được, cố lao vào công việc để quên đi, bằng cách thực hiện cho tốt các nhiệm vụ được giao.
Ngày 2/5/1975, tôi từ Phước Long ra Sài Gòn, về sân bay Biên Hòa thì gặp vợ con vừa ở tù ra. Lúc ấy thật sự vỡ òa cảm xúc.
Sau giải phóng, tôi được phân công công tác tại Trung đoàn 935 ở Biên Hòa, lái thử các máy bay Mỹ để lại, truyền kinh nghiệm cho các phi công của mình. Tôi chủ yếu làm nhiệm vụ chính trị, hầu như không còn bay máy bay chiến đấu nữa. Sau này tôi chuyển sang công tác bên máy bay vận tải, làm cho Vietnam Airlines.
Phóng viên: Là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng ông chưa bao giờ tự nhận mình là anh hùng? Ông chỉ nghĩ đó là sứ mệnh lịch sử của mình?
Tôi nghĩ cuộc đời của mình chắc chắn phải tham gia vào việc bảo vệ đất nước, chấm dứt cuộc chiến, xây dựng đất nước. Quan trọng là phải làm đúng chỗ, đúng lúc. Có lúc tôi đúng, có lúc tôi chưa đạt để chấm dứt cuộc chiến nhưng cá nhân tôi cũng đã may mắn được tham gia để chấm dứt cuộc chiến đổ máu kéo dài mấy chục năm.
Sau này, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vinh dự lắm chứ, mình đã được Nhà nước, nhân dân tin tưởng. Những ghi nhận đó là minh chứng cho thấy mình đã góp được công sức cho cách mạng của ta thành công.
Thực tế, bay máy bay đánh nhau chiến đấu thì mình còn biết máy bay đó tốt, còn bay thử rất khó khăn, lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần chết. Khi đó, phải ôn lại động tác nhảy dù, xác định máy bay có thể hỏng bất kỳ lúc nào, hoặc nhảy dù thành công, hoặc chết.
Phóng viên: Cuộc đời ông, đến giờ vẫn còn nhiều luồng thông tin trái chiều. Bị hiểu nhầm có phải là điều làm ông tâm tư, đau buồn nhất? Ông vượt qua điều đó thế nào?
Đứng về phía nhân dân, cái gì đúng hơn, cái gì nhân dân ủng hộ thì tôi làm, cái gì nhân dân phản đối thì không làm. Mình cứ làm hết trách nhiệm của mình, ai nói gì thì nói.
Nhưng bình yên của tôi không phải bình yên trọn vẹn. Về với phía ta, trên danh nghĩa thế thôi, còn trong lòng của tôi, tôi nghĩ suy nghĩ nhiều, cũng lăn tăn nhiều thứ.
Tôi biết mình là phi công của ngụy, về được bên cách mạng sử dụng đánh nhiều trận. Nhưng để tin tưởng tuyệt đối thì còn là dấu hỏi. Mình phải tự nghĩ, tự giải thích việc đó với chính bản thân mình, không tâm sự với ai được.
Nhưng với vai trò của tôi là Đảng viên, khi nhận nhiệm vụ, chỉ biết làm tròn trách nhiệm của mình, không nghĩ sâu xa nữa.
Phóng viên: Ngày ấy, có lúc nào ông nghĩ mình sẽ tranh thủ cơ hội huấn luyện để lái máy bay mà chạy sang nước khác?
Chưa bao giờ tôi suy nghĩ việc phải đi nước ngoài. Cuộc sống ở đâu cũng vậy, phải do mình tự tạo ra. Ở đâu thì người ta cũng hoan nghênh người lao động tốt, người suy nghĩ tốt, hành động tốt. Còn ở đâu người lười biếng, không làm gì sẽ không được hoan nghênh.
Phóng viên: Điều mà ông còn day dứt trong cuộc chiến giải phóng dân tộc là gì?
Day dứt thì nhiều. Sống ở đời, để làm trọn vẹn trách nhiệm của con người khó lắm. Trong lòng tôi lúc nào cũng thấy mình làm được nhiều việc đấy, nhưng có gì đó chưa hoàn thành, chưa làm trọn vẹn. Việc không thể giải phóng Hoàng Sa là một việc như vậy.
Phóng viên: Chúng ta đã hàn gắn vết thương chiến tranh như thế nào sau giải phóng. Ông thấy Việt Nam đã làm tốt nội dung về hòa hợp dân tộc?
Đến giờ này, người Việt Nam giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc êm thấm, tức là những phân biệt giữa tôi với anh dần dần giảm bớt đi, không còn căng thẳng nữa. Lớp trước khó chấp nhận thì lớp sau dễ chấp nhận hơn, hóa giải bớt căng thẳng của lớp trước, cùng xây dựng đất nước. Cái gì cũng cần thời gian mà thời gian với Việt Nam phải qua một hế hệ thì việc đó mới hết được. Lớp trẻ phải giải quyết vấn đề thù hận giữa lớp trước.
Tôi có nhiều người bạn làm chế độ cũ, con cháu họ hòa nhập vào làm việc với chính quyền mới của ta rất tốt, hòa nhập xã hội mới và họ đều khuyến khích con cháu xây dựng đất nước.
Phóng viên: Sau này ông là một nhà lãnh đạo lớn trong ngành hàng không, đâu là điều mà ông dành nhiều tâm huyết để trao truyền và dạy dỗ cho lớp trẻ trong ngành?
Khi làm lãnh đạo ngành hàng không, trong đầu tôi lúc nào cũng mong muốn hàng không lúc nào cũng an toàn, bay đến nơi-về đến chốn an toàn. Những loại máy bay nào giao cho mình đều phải khai thác triệt để, bay cho tốt. Và điều này đã chứng minh được trong thực tiễn.
Phóng viên: 50 năm giải phóng miền nam là một dấu mốc đặc biệt. Có nhiều người bạn của ông không còn để chứng kiến được sự đổi thay của TP Hồ Chí Minh. Ông chứng kiến sự vươn mình của thành phố hôm nay thế nào?
TP Hồ Chí Minh so với cách đây 50 năm, phát triển nhiều, lớn hơn, hiện đại hơn và dân đông hơn. Sài Gòn xứng đáng là vị trí trung tâm của miền nam và cũng xứng đáng là vị trí của Đông Nam Á – hòn ngọc viễn đông.
Xin cảm ơn Anh hùng LLVT Nguyễn Thành Trung!
Ngày xuất bản: 1/4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: MINH THU
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/AH-Nguyen-Thanh-Trung/index.html
Bình luận (0)