Ánh sáng là một trong những điểm thu hút du khách tham gia các kỳ Festival Huế. Ảnh: Đình Hoàng |
Trong không gian cung đình Huế, ánh sáng không chỉ để chiếu rọi, mà còn truyền tải thông điệp về nghi lễ, thứ bậc, uy nghi và huyền diệu. Đèn lồng, nến sáp, ánh đuốc… từng được sử dụng để thắp sáng tại các lễ tế, yến tiệc đại triều hay các đêm tuần du của bậc quân vương. Ngày nay, ánh sáng hiện đại tiếp nối vai trò của ánh nến xưa, mang trọng trách giữ hồn di sản.
Nhiều người dân và du khách tham dự các kỳ Festival Huế rất ấn tượng với “Đêm hoàng cung”, hoạt động tái hiện vẻ đẹp lung linh của Đại Nội trong sinh hoạt văn hóa truyền thống xưa. Từ đó, tiềm năng của việc khai thác không gian di tích trong màn đêm được quan tâm, chú trọng. Những công trình trong Quần thể di tích Cố đô Huế như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Kiến Trung… khi được đầu tư chiếu sáng bài bản đã mang lại hiệu ứng thị giác cuốn hút, khơi gợi cảm xúc của người xem, tựa như kể lại câu chuyện vàng son bằng hình ảnh, đường nét, màu sắc.
“Chiếu sáng cho các di sản” cũng chính là chủ đề của tham luận đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trình bày tại Hội nghị khoa học Chiếu sáng toàn quốc năm 2025, diễn ra tại Huế vào cuối tháng 5. Chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm bởi tính chất độc đáo và tiềm năng. PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam cho rằng, TP. Huế đã khéo léo sử dụng ánh sáng để làm nổi bật những công trình kiến trúc, tạo nên chiều sâu cho các công trình vào ban đêm. Đây cũng là nền tảng cho việc chuyển đổi số trong các hoạt động bảo tồn thông qua bản đồ ánh sáng di tích số, ứng dụng tham quan thực tế ảo hay kết nối trải nghiệm du lịch thông minh…
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hệ thống chiếu sáng trong Quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: chiếu sáng không đồng đều, tiêu tốn nhiều điện năng, tác động tiêu cực đến những vật liệu cổ… gây ảnh hưởng đến chất lượng thẩm mỹ, hiệu quả năng lượng và yêu cầu bảo tồn của công trình.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khó khăn lớn nhất trong chiếu sáng di sản vẫn nằm ở ranh giới mong manh giữa yêu cầu hiện đại và nguyên tắc bảo tồn. Luật Di sản văn hóa và các quy định của UNESCO quy định nghiêm ngặt việc không xâm hại đến kiến trúc gốc, vì thế bất kỳ can thiệp nào cũng phải được tính toán cẩn trọng, đảm bảo không làm thay đổi hiện trạng. Những hạng mục này cũng gặp nhiều hạn chế trong thi công, bảo trì, đồng thời rất khó để tích hợp những công nghệ mới để giữ được vẻ đẹp cổ kính của công trình.
Những hạn chế đó đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp chiếu sáng mới cho các di tích. Một hệ thống ánh sáng đồng bộ, hài hòa về thẩm mỹ và chuẩn mực về kỹ thuật sẽ không chỉ bảo vệ tốt hơn giá trị vật thể, mà còn góp phần định hình diện mạo văn hóa ban đêm của đô thị di sản. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang từng bước nghiên cứu để ứng dụng công nghệ chiếu sáng thông minh và sử dụng đèn LED hiện đại trong chiếu sáng các di tích.
Công nghệ chiếu sáng thông minh có khả năng điều khiển ánh sáng theo ngữ cảnh, thời gian, sự kiện, tạo thuận lợi để sử dụng cho các sự kiện văn hóa. Trong khi đó, công nghệ đèn LED giải quyết được những vấn đề tồn tại của đèn truyền thống như tiêu thụ điện năng cao, phát nhiệt lớn, ánh sáng chói và nhanh chóng xuống cấp. “Bằng việc kết hợp giữa nguyên lý bảo tồn, mỹ học ánh sáng truyền thống và giải pháp công nghệ hiện đại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế định hướng xây dựng một hệ sinh thái ánh sáng linh hoạt, thông minh, tôn kính giá trị nguyên bản”, ông Hoàng Việt Trung cho biết.
Để hiện thực hóa những định hướng ấy, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đề xuất lập Quy hoạch tổng thể hệ thống chiếu sáng toàn bộ Quần thể di tích Cố đô Huế trong trung và dài hạn. Đồng thời, đề xuất mô hình xã hội hóa chiếu sáng di tích, kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và cộng đồng tham gia đầu tư, tài trợ theo hướng Nhà nước quản lý - định hướng, doanh nghiệp đầu tư - vận hành hệ thống chiếu sáng. Việc thành lập Quỹ “Ánh sáng cho Di sản Huế” cũng là một hướng đi khả thi, tập hợp nguồn lực từ cộng đồng, Việt kiều, các tổ chức quốc tế yêu văn hóa Việt Nam.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/anh-sang-giu-hon-di-san-155239.html
Bình luận (0)