(QBĐT) - Chúa xuân tặng tuổi cho người
tặng đôi sợi bạc cho tôi nao lòng
tặng em một chút ửng hồng
một trời áo lụa phơi phong mắt chiều
Giật mình mình biết mình yêu
một bông hoa cải ít nhiều ngây thơ
hoa vàng nhuộm giấc ngủ mơ
dòng sông xưa cũ bây giờ còn trong
Mưa xuân ướt áo chờ mong
đường quê mướt cỏ mà không thấy người
khói sương rúc rích tiếng cười
một bầy tiên nữ trêu người xa xăm
Trở về phố xá thanh tân
hộp thư điện tử thiệp xuân chúc mừng
nao lòng tôi nhớ người dưng
nhớ bông hoa cải rưng rưng gió vàng.
NGUYỄN TRỌNG TẠO
|
Lời bình:
Mùa xuân luôn là đề tài thú vị cho người làm thơ dù không hề mới, không bất ngờ và người viết chịu không ít áp lực nếu muốn có một bài thơ hay. Với Ảo giác mùa xuân, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã dẫn dắt người đọc đến với một bất ngờ:
Chúa xuân tặng tuổi cho người
tặng đôi sợi bạc cho tôi nao lòng
tặng em một chút ửng hồng
một trời áo lụa phơi phong mắt chiều
Cũng là thêm một tuổi đấy mà người thì khởi sắc, kẻ lại già nua. Hai nét phác họa, ửng hồng và tóc bạc hình như không hợp cho lắm nhưng lại hiển nhiên đến nghiệt ngã. Và, trong sự bất lợi đó, tình yêu đã xuất hiện với bao mong đợi, với bao hy vọng. Một tình yêu càng mong manh, nhiều hy vọng thì càng đắm say và âu lo, hai cảm giác đó đan xen:
Giật mình mình biết mình yêu
một bông hoa cải ít nhiều ngây thơ
hoa vàng nhuộm giấc ngủ mơ
dòng sông xưa cũ bây giờ còn trong
Hai chữ “giật mình” khiến chính chúng ta bất ngờ. Thế hóa ra từ đầu bài thơ đến giờ là gì nhỉ? Giấc mơ, là sự say đắm, là sự liên tưởng chăng? Không, sự nhận thức ấy đầy tỉnh táo và thi vị, xưa nay có ai tự ví một người đứng tuổi đang yêu như mình như bông hoa cải bên sông (một bông hoa cải ít nhiều ngây thơ). Nếu hoa đào, hoa mai, hoa xoài, hoa nhãn… là sự hứa hẹn cho mùa mới, mùa trái ngọt thì hoa cải là hiện thân sự muộn màng. Thời gian như “dòng sông xưa cũ” chẳng biết đã trôi đến phương trời nào.
Nhưng thôi, lo âu cũng đến thế, cứ sống hết mình với những mộng mơ đã:
Mưa xuân ướt áo chờ mong
đường quê mướt cỏ mà không thấy người
khói sương rúc rích tiếng cười
một bầy tiên nữ trêu người xa xăm
Trong ảo ảnh, mọi sự mỹ lệ, diệu kỳ đều hiện ra. Một con đường vắng (đường quê mướt cỏ mà không thấy người), đầy ma mị huyền ảo (khói sương rúc rích tiếng cười), vừa rờn rợn hoang dại, nguyên sơ. Sức hấp dẫn ấy khiến người ta liều lĩnh dấn thân vào ảo giác mà chẳng còn lo sợ nữa. Suy cho cùng, sau nhiều tuổi tác, còn biết yêu là còn hạnh phúc. Nhưng rồi, mộng đẹp nào cũng tan, ảo giác nào cũng biến mất, chỉ còn lại những câu hỏi của hiện thực:
Trở về phố xá thanh tân
hộp thư điện tử thiệp xuân chúc mừng
nao lòng tôi nhớ người dưng
nhớ bông hoa cải rưng rưng gió vàng.
“Người dưng” mà khiến ta đắm say, nhung nhớ thế thì đâu còn là người dưng nữa. Cũng như bông hoa cải, dù cuối mùa nhưng nào có tàn úa mà đằm thắm “giấc ngủ mơ”. Bài thơ khép lại với một tình yêu dang dở, chưa có gì đáng để xác lập một sự gắn kết nhưng cũng không hề vô tâm…
Mùa xuân là thế đấy, quen thuộc mà vẫn bất ngờ, tưởng như tất cả đang hiện diện mà đầy ảo giác. Ảo giác từ sự quyến rũ mỹ lệ, từ vẻ đẹp và ảo giác ngay cả đối với chính trái tim ta…
Bùi Việt Phương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/tho-chon-loi-binh-ao-giac-mua-xuan-2224477/
Bình luận (0)