Các cơ sở sản xuất cơ khí, xây dựng lo lắng khi giá điện tăng

Hàng loạt chi phí tăng thêm

Anh Nguyễn Văn Huy (P. Thủy Châu, TX Hương Thủy) chia sẻ, gia đình có 5 nhân khẩu, bình quân mỗi tháng sử dụng điện dao động trên 300Wh. Tháng 4 vừa qua, gia đình anh sử dụng gần 400kWh, tổng giá tiền thanh toán hơn 700 nghìn đồng. Với số lượng tiêu thụ điện hàng tháng của gia đình như thế khi áp dụng giá điện bán lẻ từ ngày 10/5, với mức tăng 4,8%, thời gian đến, gia đình anh phải thêm một khoản chi phí cho việc dùng điện sinh hoạt.

“Với một khoản chi trả thêm theo tôi chưa phải là lớn, nhưng cũng đã tạo thêm áp lực khi nguồn thu nhập khiêm tốn với một công nhân lao động như tôi”, anh Huy nói.

Ông Huỳnh Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP Viên nén năng lượng Thừa Thiên Huế cho biết, đặc thù ngành nghề của đơn vị dùng nhiều máy móc cán ép, nén gỗ… sử dụng rất nhiều điện. Do đó, bình quân mỗi tháng mức tiêu thụ điện năng của đơn vị từ 6.000 - 6.300 kWh, phải trả khoảng hơn 1 tỷ đồng. Việc giá bán lẻ điện cho kinh doanh tăng thêm từ ngày 10/5, nếu tính toán sơ bộ DN sẽ trả thêm gần 50 triệu đồng/tháng. “Thời điểm các DN đang chịu áp lực về thị trường, chính sách thuế quan…, việc tăng giá điện lần này làm cho chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh (SXKD)” - ông Tuấn nói.

 Giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 10/5

Giám đốc một DN đang hoạt động tại Cụm công nghiệp Thủy Phương, TX. Hương Thủy chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cho rằng, theo tính toán, chi phí điện năng chiếm từ 15 - 20% giá thành sản phẩm. Do vậy khi nghe giá điện tăng, các DN trong ngành cơ khí, xây dựng đều băn khoăn vì sợ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Với biên lợi nhuận ngành cơ khí, xây dựng hiện nay khá mỏng, chỉ khoảng 5 - 10%, nên mức tăng giá điện có thể khiến nhiều DN thua lỗ nếu không có phương án sắp xếp để hoạt động hợp lý...

Tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện

Tại cuộc họp báo liên quan đến công tác điều hành đảm bảo điện vào chiều 9/5, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, hàng năm, EVN luôn có kế hoạch đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân ổn định. EVN đã, đang thực hiện theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025. Trong đó, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm nay dự kiến khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.

Về cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo... Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống, về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao, như: Nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu…

 Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, trên cơ sở kế hoạch vận hành, EVN đã thường xuyên rà soát, tính toán và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh giá điện theo Luật Điện lực và Nghị định 72 về điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh đã được cân nhắc kỹ chi phí đầu vào, chi phí biến động, khả năng chi trả của người dân và DN để tìm điểm trung hòa giữa các yêu cầu, nên mức tăng giá điện 4,8% lần này là tương đối phù hợp.

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Huế (PC Huế), trong bối cảnh chi phí khâu phát điện có xu hướng tăng cao những năm gần đây, đơn vị đã quyết liệt thực hiện việc tiết giảm, tiết kiệm chi phí với yêu cầu hàng năm nhằm tiết kiệm chi phí thường xuyên và chú trọng đến việc nâng cấp cải tạo, sửa chữa lớn để tối ưu hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục trên địa bàn.

Khi giá điện tăng, để giảm áp lực kinh tế, khách hàng cần sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên; thường xuyên bảo dưỡng, thay thế các thiết bị để hạn chế thất thoát điện năng, không sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm và nơi không cần thiết. Đối với các DN, cơ sở SXKD thì tối ưu hóa hệ thống điện; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị điện; áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiên tiến và nâng cao nhận thức tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả cho người lao động…

Đối với việc điều chỉnh giá điện lần này, các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng; hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.


Bài, ảnh: Minh Văn

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/ap-luc-khi-gia-dien-tang-153601.html