Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ba Bể phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới và phát triển

Việt NamViệt Nam05/04/2025


Trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, Bắc Kạn là địa phương được đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì cuộc mít tinh trọng thể tuyên bố thành lập chính quyền cấp huyện tại châu Trưng Vương vào ngày 30/3/1945. Việc thành lập chính quyền cấp huyện - Ủy ban nhân dân lâm thời châu Trưng Vương (châu Trưng Vương là tên cách mạng của châu Chợ Rã, nay là huyện Ba Bể) là tiền đề quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh trong phong trào cách mạng của tỉnh, góp phần thắng lợi trong cao trào kháng Nhật cứu nước và tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng thời cũng để lại nhiều bài học quý báu về công tác tuyên truyền, vận động, về việc lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng, cũng như việc xây dựng các tổ chức chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương.

Sự ra đời của chính quyền Châu Chợ Rã đánh dấu vai trò quan trọng trong lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của huyện. Ngay sau khi thành lập, tổ chức Đảng, chính quyền đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy; lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc nêu cao tinh thần cách mạng, vượt qua gian khổ, hy sinh, quyết tâm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, góp phần giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ba Bể phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển Khu du lịch Ba Bể trở thành
Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050

Từ sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986), cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, trước hết là đổi mới kinh tế - xã hội. Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng và các nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng bộ và chính quyền huyện Ba Bể đã phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, tiềm năng của địa phương, từng bước xây dựng quê hương Ba Bể ngày càng giàu đẹp. Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Kạn được tái lập, huyện Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, Ba Bể là huyện lớn và đông dân nhất của tỉnh với 26 đơn vị hành chính. Ngày 28/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/NĐ-CP tách huyện Ba Bể thành hai huyện Ba Bể và Pác Nặm. Huyện Ba Bể mới có diện tích là 67.809 ha với 46.583 nhân khẩu với 16 đơn vị hành chính trực thuộc. Ngày 10/1/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 sáp nhập xã Cao Trĩ vào xã Thượng Giáo, sau khi sắp xếp, huyện Ba Bể có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 xã và 1 thị trấn.

Qua gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, diện mạo Ba Bể ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện ngày càng được tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng. Trước năm 2018, Ba Bể vẫn là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn và của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bằng nhiều giải pháp phù hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực trong Nhân dân, đến ngày 7/3/2018, huyện Ba Bể được công nhận thoát nghèo. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới đạt được những thành tựu nổi bật.

Nông - lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo an ninh lương thực, diện tích trồng rừng tăng nhanh, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo và thúc đẩy phát triển nông thôn. Tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đều tăng, từ 25.926 tấn năm 2010 đến năm 2024 đạt 29.561 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 588 kg/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,5%. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai thực hiện rộng khắp, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của Nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn. Đến năm 2024, toàn huyện có 4 xã và 4 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí xã nông thôn mới bình quân toàn huyện 13 tiêu chí/xã.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được các hợp tác xã trên địa bàn huyện đẩy mạnh 

Thực hiện chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 15/12/2020 về phát triển nông, lâm nghiệp giai đoạn 2020 - 2025. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương đã triển khai 7 mô hình gắn với các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn huyện. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) thực hiện tương đối hiệu quả. Trong giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn huyện có 48 sản phẩm OCOP đạt 3 sao đạt 120% mục tiêu kế hoạch đề ra. Một số sản phẩm thông qua chương trình đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế được thị trường đón nhận như chè Mỹ Phương, bí xanh thơm, miến dong, thịt trâu khô, rau bò khai…

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân; hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; các hộ gia đình, cá nhân từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tham gia các sàn thương mại điện tử, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của địa phương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2024 đạt 684 tỷ đồng, tăng 454 tỷ đồng so với năm 2015.

Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến, cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch được quan tâm đầu tư. Các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được chú trọng, đặc biệt Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, sự kiện “Sắc thu hồ Ba Bể” tổ chức đã tạo điểm nhấn và trở thành sản phẩm du lịch riêng có của huyện Ba Bể. Công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Ba Bể được chú trọng và có hiệu quả tích cực. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch được quan tâm, nhất là hỗ trợ đào tạo kiến thức cho người dân tham gia phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt, Đồ án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đưa lĩnh vực du lịch của huyện ngày càng phát triển.

Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm thực hiện và thu được những thành tựu quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 63% năm 1998 (theo tiêu chí cũ), đến năm 2024 còn 22,11%, bình quân mỗi năm giảm 1,57% (chuẩn nghèo đa chiều), đời sống của đại bộ phận Nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố vững chắc. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, nhất là từ năm 1997 đến nay, cùng với các địa phương khác, huyện Ba Bể đã góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng của tỉnh Bắc Kạn.

80 năm trôi qua nhưng giá trị lịch sử của sự kiện thành lập chính quyền cấp huyện đầu tiên tại châu Trưng Vương (châu Chợ Rã) - huyện Ba Bể ngày nay vẫn còn trường tồn mãi với thời gian. Trân trọng, tự hào, tiếp nối truyền thống trên quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể quyết tâm phấn đấu, đoàn kết, ra sức thi đua, học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.



Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/ba-be-phat-huy-truyen-thong-cach-mang-khong-ngung--a611.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm