Để người dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn tiếp cận đầy đủ các quy định, pháp luật của Nhà nước, hằng năm, huyện Ba Chẽ đều phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tổ chức những lớp tập huấn tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào các dân tộc. Thông qua tập huấn, các học viên là những cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn, bản, đại diện hộ gia đình được báo cáo viên pháp luật của huyện truyền đạt những chuyên đề về Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng chống bạo lực gia đình, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Luật Bình đẳng giới; Luật Hòa giải; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện...
Tại lớp tập huấn, các học viên cũng tích cực trao đổi thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chăm lo hơn nữa đến công tác giảm nghèo, xây dựng NTM ở vùng DTTS, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân...
Bên cạnh đó, huyện Ba Chẽ cũng tích cực phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS đối với việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chương trình, đề án, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn huyện; bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật cho đội ngũ này.
Qua đó, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục, vận động nhân dân tham gia vệ sinh đường thôn, xóm, chuồng trại, xây dựng NTM, bài trừ tệ nạn xã hội. Nhiều người uy tín là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ tham gia tổ hoà giải, tổ tự quản đã tuyên truyền cho nhân dân tiếp tục thực hiện tốt các phong trào “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Quản lý, giáo dục, cảm hoá người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, “Quản lý giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, vận động người phạm tội ra đầu thú”, “Chấp hành luật giao thông”, “Tổ nhân dân tự quản về ANTT” ở thôn, bản, khu phố.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tâm (xã Nam Sơn) Lý Mạnh Thường chia sẻ: Để đưa kiến thức pháp luật đến gần với nhân dân, nhất là người dân ở các thôn, bản xa xôi, chi bộ luôn nhấn mạnh vai trò gương mẫu đi đầu của từng đảng viên, nghiên cứu, lựa chọn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với địa bàn miền núi và đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần sâu sát, gắn bó của từng đảng viên đóng vai trò là những tuyên truyền viên trong cộng đồng để các nội dung, quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của đất nước, của tỉnh đến gần nhất với người dân.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL trong trường học và các nhóm đối tượng đặc thù đều được Phòng Tư pháp, các cơ quan, đơn vị của huyện chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Tư vấn, phổ biến pháp luật trực tiếp; cung cấp tài liệu pháp luật; các hoạt động giáo dục thông qua việc dạy và học trong nhà trường, sinh hoạt CLB nông dân với pháp luật, phụ nữ với pháp luật, tuổi trẻ phòng chống tội phạm... Các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học, tùy theo điều kiện cụ thể đã tăng cường PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử thành phần của huyện; tuyên truyền qua các ứng dụng trên thiết bị di động, mạng xã hội; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; đối thoại chính sách; tư vấn, phổ biến pháp luật trực tiếp; các hội nghị, hoạt động chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, nhiều đơn vị có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Huyện cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở. Huyện hiện có 73 tổ hòa giải, với hơn 400 hòa giải viên. Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải đã tổ chức hòa giải thành công nhiều vụ việc phát sinh từ cơ sở.
Các mô hình, cách làm đồng bộ đã góp phần không nhỏ trong nâng cao chất lượng hoạt động PBGDPL trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân về chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/ba-che-nang-cao-hieu-qua-tuyen-truyen-giao-duc-phap-luat-vung-dan-toc-thieu-so-3352864.html
Bình luận (0)