Đây là hành trình kết nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa người đang sống và những người đã ngã xuống, bằng ký ức, bằng hình ảnh, bằng âm thanh và cả xúc cảm thiêng liêng.
Từ chiến hào vọng mãi - nơi lịch sử cất lời
Không gian Từ chiến hào vọng mãi mở ra bằng những thước phim tư liệu trong Những điều chưa kể, đưa người xem trở về thời lửa đạn.
Hình ảnh người lính Cụ Hồ băng mình giữa chiến trường, những thương binh gượng dậy giữa vết thương chưa lành, các Mẹ Việt Nam Anh hùng với ánh mắt nén đau tiễn con ra trận, tất cả hiện lên chân thực qua lời kể của các nhân chứng.
Ký ức được tái hiện không bằng con số, mà bằng hơi thở của thời đại, bằng nỗi đau lặn sâu trong tim và bằng những điều khắc cốt ghi tâm rằng độc lập phải đổi bằng hy sinh.
Những ký ức đó sống động hiện lên qua những thước phim chân thực, lay động và những lời kể đầy xúc cảm từ chính các nhân chứng lịch sử.
Dấu chân người lính - bản trường ca từ chiến trường đến thời bình
Tiếp nối là không gian Dấu chân người lính, nơi tập hợp những hiện vật thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt. Từ chiếc ba lô sờn vai, tấm huân chương đã phai màu, đến dòng nhật ký trên mảnh giấy úa thời gian, từng kỷ vật đều ghi lại một thời bi tráng.
Đó là câu chuyện về người lính trẻ Nguyễn Văn Thiềng (bí danh Trần Thành) ôm bom ba càng, biểu tượng của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đại đội trưởng Trần Cừ cháy mãi ngọn lửa Đông Khê; chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ hiên ngang giữa pháp trường; chiến sĩ Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng.
Là khí phách của người thanh niên Nguyễn Văn Trỗi với tiếng hô bất khuất mãi vang vọng; là khẩu hiệu khắc vào lịch sử bởi Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù - bắn!”.
Là sự hy sinh thầm lặng của kỹ sư Hoàng Kim Giao chiến sĩ phá bom quả cảm của QĐND Việt Nam; là cuộc không chiến cuối cùng của phi công Vũ Xuân Thiều, “quả tên lửa thứ ba” đi vào huyền thoại…
Không gian này không chỉ lưu giữ chiến tích, mà còn phản ánh tinh thần thời hậu chiến, nơi những thương binh, bệnh binh sống với nghị lực phi thường, nơi các chương trình đền ơn đáp nghĩa được lan tỏa, nơi hậu phương vẫn lặng lẽ bền gan.
Những câu chuyện ấy không mang dáng dấp huyền thoại xa xôi, mà hiện hữu giữa đời thường, như ánh lửa ấm áp giữa đêm sâu.
Viết tiếp bản hùng ca - từ tri ân đến hành động
Khép lại chương trình là không gian Viết tiếp bản hùng ca, nơi cảm xúc được lắng đọng thành lời. Tại đây, khách tham quan được mời viết những lời tri ân lên “cây tri ân”, một biểu tượng sống động của truyền thống và tiếp nối.
Những dòng chữ tay, những cánh thư nhỏ bé nhưng chứa đựng lòng biết ơn lớn lao, tạo nên một “khu rừng cảm xúc”. Âm nhạc cách mạng vang lên, hòa cùng không khí trang nghiêm, như nhắc nhở rằng hòa bình hôm nay là một đặc ân mà thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng cả sinh mạng.
Bảo tàng khuyến khích công chúng chia sẻ cảm xúc, hình ảnh, câu chuyện về chương trình trên mạng xã hội qua các hashtag như: #Kyuc27thang7, #Bietonanhhunglietsi, #BaotangLichsuQuansuVietNam. Đó là cách những giá trị truyền thống tiếp tục lan tỏa bằng ngôn ngữ của thời đại.
Lịch sử để khắc ghi, để sống cùng và viết tiếp
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của lòng yêu nước, của khát vọng độc lập, của sự dấn thân vì lẽ phải. Những người lính đã nằm lại trong lòng đất mẹ, những thương binh đang từng ngày vượt lên nỗi đau, những bà mẹ đã tiễn con đi mà chẳng thể đón ngày về, họ không đòi hỏi vinh danh, không mong trả ơn.
Nhưng họ cần được nhớ đến bằng lòng biết ơn chân thành, bằng hành động tử tế mỗi ngày, bằng tinh thần sống có trách nhiệm với tương lai.
Chúng ta, thế hệ hôm nay là người viết tiếp bản hùng ca ấy. Không bằng súng đạn, mà bằng tri thức, sự tử tế, lòng nhân ái và cống hiến. Hãy sống sao cho xứng đáng với những hy sinh đã đi trước, để giấc mơ độc lập của những người ngã xuống không chỉ được trọn vẹn, mà còn được tiếp nối rực rỡ qua từng thế hệ.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/ban-hung-ca-cua-lich-su-va-niem-tin-the-he-156716.html
Bình luận (0)