Cuốn Lịch sử Việt Nam chép lại: "14h ngày 1/4, Bộ Chính trị điện cho các đồng chí Phạm Hùng, Lê Ðức Thọ, Văn Tiến Dũng, nhấn mạnh: Thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Ðịnh đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu...
Phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm... Phải hành động "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ".
Theo chỉ đạo từ trung ương, Sư đoàn 3 chủ lực Quân khu 5 và Sư đoàn 968 Quân đoàn 3 cơ động theo đường số 19, phối hợp lực lượng vũ trang địa phương tiến công quân địch ở thị xã Quy Nhơn. Sư đoàn 968 đánh chiếm sân bay Gò Quánh.
Quân giải phóng tấn công cứ điểm Gò Loi, huyện Hoài Ân, Bình Định (Ảnh: Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định)
Trước khí thế tiến công mạnh mẽ của ta, quân địch hoang mang tháo chạy hoảng loạn, bỏ lại các quân trang, quân dụng. Phần lớn Sư đoàn 22, Thiết đoàn 14 và hai tiểu đoàn pháo của địch bị tiêu diệt.
Ngày 1/4/1975, thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Ðịnh hoàn toàn được giải phóng.
Trên trang nhất Báo Nhân dân đưa tin về chiến thắng này với tiêu đề "Giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn. Diệt và làm tan rã toàn bộ Sư đoàn bộ binh Nguỵ số 22", nội dung như sau:
"Sau khi tiến công và nổi dậy đánh chiếm đèo Cù Mông, làm chủ các chi khu quân sự, quận lỵ Tam Quân, Đệ Đức, Bình Khê, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, Đập Đá, thị trấn Bồng Sơn, thành Bình Định, đánh chiếm các sân bay Phù Cát, Gò Quánh và sở chỉ huy sư đoàn nguỵ số 22 ở An Sơn, ngày 31/3 Quân giải phóng Bình Định thừa thắng tiến công địch mãnh liệt trong thành phố Quy Nhơn.
Quân giải phóng từ các hướng Gành Ránh ở phía nam đánh chiếm khu 6, Tuy Phước ở phía tây theo đường số 1, đánh chiếm Cầu Đôi, cửa ngõ chính vào thành phố, rồi thọc thẳng vào chiếm sân bay Quy Nhơn. Một cánh quân khác của Quân giải phóng từ phía bắc đánh tràn xuống chiếm khu 1, khu 2, bến cảng Quy Nhơn, khu trung tâm truyền tin, dinh tỉnh trưởng và nhiều mục tiêu quân sự khác.
Tin đăng trên báo Nhân dân về giải phóng hoàn toàn Bình Định.
Đồng bào thành phố Quy Nhơn nhất tề nổi dậy phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ. Nhiều sĩ quan, binh lính, cảnh sát và nhân viên nguỵ quyền nghe theo lời kêu gọi của chính quyền cách mạng làm binh biến, trừng trị bọn chỉ huy ngoan cố, mang theo vũ khí, hồ sơ, tài liệu trở về với cách mạng.
Đúng 5 giờ sáng 1/4, toàn bộ tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn đã hoàn toàn giải phóng. Quân và dân tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn sư đoàn bộ binh nguỵ số 22, bắt rất nhiều tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Gần 90 vạn đồng bào tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn đã giành quyền làm chủ.
Hàng nghìn đồng bào bị địch cưỡng ép chạy theo chúng đã kiên quyết chống lại, quay trở về, mang cờ Chính phủ cách mạng, biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu đón mừng Quân giải phóng. Chính quyền cách mạng các cấp đã được thành lập. Đồng bào Bình Định và thành phố Quy Nhơn vô cùng phấn khởi, đang cùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng cảnh giác, bảo vệ vùng giải phóng, giữ vững trật tự an ninh trong thành phố.
Sinh hoạt của nhân dân đã nhanh chóng được ổn định!."
An An
Nguồn: https://vtcnews.vn/ban-tin-chien-thang-1-4-1975-binh-dinh-hoan-toan-giai-phong-ar934856.html
Bình luận (0)