Cuốn Lịch sử Quân sự Việt Nam (tập 11) thuật lại sự việc như sau: Chiều 4/4/1975, sau khi bàn bạc thống nhất với Quân ủy Trung ương và Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức mật điện số 990B/TK.
Nội dung bức điện với nội dung: “Điện đặc biệt 4/4/1975 gửi Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Bức mật điện được chuyển đến các ông Võ Chí Công (Chính ủy Quân khu 5), Chu Huy Mân (Tư Lệnh Quân khu 5) và Nguyễn Bá Phát (Tư lệnh Hải quân) đang có mặt tại Đà Nẵng.

Cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân xuống tàu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu: Lịch sử Quân sự Việt Nam).
Ông Nguyễn Bá Phát nhanh chóng trao với Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và giao nhiệm vụ cho Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái, yêu cầu tổ chức lực lượng thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, tranh thủ thời cơ giải phóng quần đảo Trường Sa do quân VNCH chiếm đóng, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước.
Trong cuốn Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 viết: Sau khi Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện đánh chiếm các đảo do quân VNCH chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa, Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đoàn 2 được tăng cường Sư đoàn 571 ô tô vận tải thuộc Bộ Tư lệnh 559 Đường Trường Sơn, tổ chức hành quân vào Nam chiến đấu.
Chỉ huy lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa là đồng chí Mai Năng - Đoàn trưởng Đoàn 126; Chỉ huy phó là đồng chí Dương Tấn Kịch của Đoàn 125.
Trong hai tháng đầu năm 1975, cùng với việc huy động sức mạnh tổng hợp của miền Bắc cho cuộc Tổng tiến công ở miền Nam, mạng đường giao thông chiến lược Bắc-Nam nhanh chóng được mở rộng và nâng cấp nối 6 trục dọc dài 6.810km; hệ thống đường nhánh tỏa xuống các chiến trường dài 4.980km.
Đặc biệt, ta đã xây dựng đường ống xăng dầu với tổng chiều dài hơn 5.000km, từ hậu phương miền Bắc vào tới Bù Gia Mập (Lộc Ninh) để bảo đảm xăng dầu cho yêu cầu cơ động và tác chiến của các đơn vị chiến đấu.
Ngày 4/4/1975, Quân đoàn 3 được lệnh hành quân vào miền Đông Nam Bộ. Hơn 3.000 ô tô của Sư đoàn 471 Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Quân đoàn 3 được huy động vào cuộc hành quân này.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu gửi điện hỏa tốc cho Quân đoàn 3 quân đội Việt Nam Cộng hòa, chỉ thị bằng bất cứ giá nào cũng phải tổ chức cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng ra đó quyết chiến.
Tướng Thiệu quyết định sáp nhập 2 tỉnh cuối cùng của Quân khu 2 là Ninh Thuận và Bình Thuận vào Quân khu 3, tổ chức Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 3 do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – Phó Tư lệnh Quân khu 3 chỉ huy đóng tại Phan Rang.
Nguồn: https://vtcnews.vn/ban-tin-chien-thang-4-4-1975-gap-rut-giai-phong-truong-sa-ar935699.html
Bình luận (0)