Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa mùa mưa lũ

Thái Nguyên hiện có 435 hồ chứa thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống nhân dân. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên quản lý, vận hành 104 hồ chứa lớn nhất.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân04/07/2025

Hồ Núi Cốc có diện tích 25 km2, dung tích chứa 175 triệu mét khối nước được vận hành an toàn, có hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du.
Hồ Núi Cốc có diện tích 25 km2, dung tích chứa 175 triệu mét khối nước được vận hành an toàn, có hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du.

Các hồ chứa còn lại do các địa phương quản lý đang xuất hiện nhiều bất cập, xuống cấp. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa trong mùa mưa lũ năm nay.

Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên được UBND tỉnh giao quản lý 104 hồ chứa thủy lợi lớn nhất tỉnh. Công ty đã thiết lập hệ thống vận hành bài bản, kỹ lưỡng từ quy trình bảo trì đến lắp đặt thiết bị quan trắc, cảnh báo. Điển hình, hồ Núi Cốc có diện tích 25 km2, dung tích chứa 175 triệu mét khối nước với cửa van điều tiết lũ, là điển hình về vận hành an toàn, có phương án bảo vệ công trình, có hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Tất cả các công trình do Công ty quản lý đều có quy trình bảo trì; hơn 99% đã lắp đặt thiết bị quan trắc; nhiều công trình đã có bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Nhờ đó, các công trình này không nằm trong danh sách có nguy cơ mất an toàn, cung cấp nước thường xuyên cho các vùng trồng lúa, chè, sản xuất công nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân”.

Theo đánh giá chất lượng đập, hồ chứa năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có 314 hồ chứa an toàn (mức A), 120 hồ cơ bản an toàn và một hồ (hồ Tam Quang tại huyện Phú Lương) có nguy cơ mất an toàn cao (mức C).

Mặc dù vậy, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng: 80 đập bị thấm nhẹ, 37 mái đập bị sạt lở, trượt mái thượng, 35 tràn xả lũ chưa gia cố bằng bê-tông hoặc đá xây, cống dẫn nước hư hỏng. Phần lớn các công trình này thuộc diện công trình nhỏ do cấp huyện quản lý, thiếu hồ sơ thiết kế, thiếu kinh phí bảo trì, thiếu nhân lực kỹ thuật để vận hành và kiểm tra thường xuyên. Nhiều hồ chứa nhỏ xây dựng từ trước năm 1980 hiện không còn hồ sơ thiết kế, cho nên không thể lập quy trình vận hành, kiểm định hay ứng phó khẩn cấp hiệu quả. Một số địa phương không đủ năng lực lập tổ thủy nông có chuyên môn kỹ thuật, phải giao cho cán bộ kiêm nhiệm vận hành mà không được đào tạo bài bản.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Nguyên Dương Văn Hào cho biết: “Chúng tôi tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình đập, hồ chứa; tăng cường chỉ đạo các địa phương và đơn vị quản lý công trình thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, nhất là trong mùa mưa bão năm nay. Các địa phương cần cân đối ngân sách, bố trí nhân lực đủ khả năng chuyên môn để quản lý, vận hành công trình hồ chứa, thường xuyên kiểm tra, trực và giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các nguy cơ sự cố”.

Tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng công an và các đơn vị liên quan để kiểm tra, phát hiện các vi phạm an toàn công trình; kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình hồ, đập, bảo vệ môi trường nước phục vụ sản xuất và đời sống.

Nguồn: https://nhandan.vn/bao-dam-an-toan-dap-ho-chua-mua-mua-lu-post891760.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm