Thực tế, sau nhiều nỗ lực từ các tổ chức, chính quyền địa phương cho đến cộng đồng, công tác PCBLGĐ đã có những chuyển biến đáng kể. Thống kê từ các địa phương cho thấy, số vụ bạo lực gia đình đã giảm từ trên 4.000 vụ vào năm 2022 xuống còn gần 2.330 vụ vào năm 2024. Hơn 70% các vụ bạo lực gia đình đã được góp ý hoặc tư vấn tại cộng đồng. Các hoạt động tư vấn, giáo dục về PCBLGĐ đã được các cơ quan Trung ương và địa phương quan tâm.
Đáng chú ý, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng, duy trì gần 800 mô hình góc tư vấn, giáo dục trước hôn nhân, giúp trang bị kiến thức kỹ năng cơ bản về hôn nhân, quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, PCBLGĐ. Năm 2024, TP Hồ Chí Minh thành lập được 1.729 tổ tư vấn PCBLGĐ. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp. Theo nhận định của Cục Văn hoá cơ sở, gia đình và thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, số vụ bạo lực gia đình mặc dù có giảm nhưng chưa giảm rõ rệt.
Số liệu của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, trung bình mỗi năm, Việt Nam có hơn 100.000 vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng dẫn đến ly hôn hoặc đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Theo thống kê trong 2 năm (từ ngày 1/7/2023 - 31/4/2025), tổng số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình được đưa ra xét xử tại các Tòa án nhân dân các cấp là 405.418 vụ.
Đáng chú ý, có đến 341.692 vụ ly hôn bắt nguồn từ các nguyên nhân liên quan đến bạo lực gia đình như bị đánh đập, ngược đãi, hoặc các hành vi khác như vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình, chiếm tỷ lệ lên đến 92,7% các vụ án ly hôn.
Điều này cho thấy, bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thương về thể chất, tinh thần mà còn đẩy nhiều gia đình rơi vào tình cảnh đổ vỡ, phản ánh rõ mức độ nghiêm trọng của bạo lực gia đình và cấp thiết của việc cần tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác ngăn chặn, xử lý và phòng ngừa bạo lực gia đình.
Về vấn đề này, ông Khuất Văn Quý, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, gia đình và thư viện cũng thừa nhận, công tác PCBLGĐ đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn và khó phát hiện. Tỷ lệ xử lý còn chưa tương xứng với thực trạng.
Một số địa phương chưa thực sự chủ động, chưa đầu tư đúng mức cho công tác tuyên truyền. Do đó, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, truyền thông cần tiếp tục khẳng định vai trò là "chìa khóa" trong PCBLGĐ; không chỉ truyền đạt thông tin, mà còn phải tạo ra ảnh hưởng tích cực, lay động, thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành động trong cộng đồng.
Theo ông Khuất Văn Quý, công tác truyền thông cần áp dụng đa hình thức, đa phương pháp nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Cần kết hợp hiệu quả các kênh truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, phát thanh với các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube, zalo cùng các hình thức mới như podcast, video clip ngắn để lan tỏa nhanh chóng thông điệp về PCBLGĐ, nhất là tới giới trẻ và người lao động.
Đồng thời cần tăng cường truyền thông sân khấu hoá thông qua các vở kịch, tiểu phẩm, hội thi, tọa đàm gắn với đời sống cộng đồng ở cơ sở. Cần tận dụng các nền tảng số để xây dựng và lan tỏa nội dung truyền thông sinh động, dễ tiếp cận và tương tác cao; đồng thời ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu để đánh giá hiệu quả, điều chỉnh nội dung phù hợp với xu hướng, hành vi và mức độ tiếp nhận của từng nhóm đối tượng.
Đặc biệt, cần tăng cường tiếp cận giới trẻ nhóm đối tượng dễ bị tác động bởi môi trường xã hội và cũng là lực lượng quan trọng trong công tác PCBLGĐ. Thông qua các chiến dịch truyền thông số sáng tạo, gần gũi và thiết thực, giới trẻ có thể trở thành những người lan tỏa thông điệp tích cực, chủ động nhận diện, phòng ngừa và hỗ trợ người bị bạo lực, góp phần hình thành một thế hệ mới có nhận thức đúng đắn về giá trị gia đình và bình đẳng giới.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, gia đình và thư viện Khuất Văn Quý cũng lưu ý, trong quá trình xử lý, truyền thông về PCBLGĐ cần phải chú trọng bảo vệ danh tính người bị bạo lực gia đình, tránh gây tổn thương hoặc kỳ thị. Bảo đảm nội dung tuyên truyền khách quan, nhân văn, góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng trong việc chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình.
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/bao-luc-gia-dinh-van-nhuc-nhoi-i773776/
Bình luận (0)