Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo vệ tài nguyên, môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu

Là tỉnh nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, Tây Ninh có vị trí chiến lược trong phát triển KT-XH; đồng thời, cũng là địa phương chịu ảnh hưởng rõ nét của biến đổi khí hậu (BĐKH). Những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, ô nhiễm môi trường,... trở thành thách thức lớn. Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng hiệu quả với BĐKH ngày càng cực đoan, khó lường.

Báo Long AnBáo Long An03/07/2025

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác phòng, chống hạn, mặn tại xã Thủ Thừa

Nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu

Tây Ninh là tỉnh có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi dày đặc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biển Đông qua 2 nhánh sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Với đặc điểm tự nhiên này, tỉnh có tiềm năng lớn về tài nguyên đất, nước, rừng và sinh thái vùng ngập nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng liên quan đến suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tình trạng khai thác tài nguyên quá mức, sử dụng đất chưa hợp lý, ô nhiễm nước mặt do nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý, chất thải rắn chưa được thu gom đầy đủ,... đang diễn ra ở nhiều địa phương. Mực nước ngầm suy giảm, tình trạng sụt lún đất ngày càng rõ rệt ở các vùng ven sông. Tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng tràm và rừng ngập mặn cũng đang bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng đất và sự suy giảm tự nhiên của hệ sinh thái.

Trong khi đó, BĐKH hiện hữu ngày càng rõ ràng với các biểu hiện cụ thể như xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, mưa trái mùa, nhiệt độ tăng cao và nguy cơ nước biển dâng. Mùa khô, đặc biệt từ tháng 02 đến tháng 5, mặn xâm nhập sâu qua các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống người dân.

Có thời điểm, độ mặn đo được tại nhiều tuyến kênh nội đồng của các địa phương vùng hạ như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ,... vượt mức 4g/l - ngưỡng gây hại cho cây lúa và cây ăn trái. Đáng chú ý, tại nhiều xã không có nguồn nước ngầm hoặc nước mặt bị nhiễm mặn, người dân phải đổi nước ngọt với giá từ 50.000-100.000 đồng/m3, có nơi lên đến 200.000 đồng/m3.

Trong mùa mưa, tình trạng ngập úng vẫn thường xảy ra, gây ảnh hưởng đến giao thông nông thôn và mùa vụ nông nghiệp, nhất là ở các vùng trũng như các xã: Vĩnh Châu, Mộc Hóa, Bình Hòa, Tuyên Thạnh,...

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp và đô thị phát triển nhanh tại các địa phương như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc,... cũng tạo áp lực lớn lên hạ tầng xử lý môi trường. Hệ thống xử lý nước thải tại nhiều cụm công nghiệp chưa đồng bộ, rác thải sinh hoạt phát sinh với khối lượng lớn trong khi công tác phân loại, tái chế và xử lý còn hạn chế.

Các hoạt động khai thác cát trên sông và xây dựng trái phép ven kênh, rạch cũng làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông - một hiện tượng ngày càng phổ biến trong 3-5 năm trở lại đây.

Trước tình hình đó, tỉnh xác định bảo vệ tài nguyên, cải thiện môi trường sống và thích ứng hiệu quả với BĐKH là yêu cầu cấp thiết và mang tính chiến lược. Nhiều chủ trương, kế hoạch đã được ban hành nhưng để đạt hiệu quả thực chất, cần có sự thay đổi cả về tư duy phát triển, hành động cụ thể và sự tham gia đồng bộ của toàn xã hội.

Chủ động thích ứng

Nhận diện sớm những nguy cơ và thách thức, tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch hành động thiết thực để bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng với BĐKH.

Trong đó, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ các mục tiêu cụ thể, giải pháp toàn diện và lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn.

Về hạ tầng, tỉnh ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống đê bao, cống kiểm soát mặn, kênh, mương nội đồng tại các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ. Hàng chục công trình cấp nước sạch tập trung đã được đưa vào vận hành, góp phần bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ.

Các dự án nạo vét kênh, rạch, nâng cấp đường giao thông nông thôn kết hợp với tiêu thoát nước cũng đang được đẩy nhanh tiến độ tại nhiều xã vùng Đồng Tháp Mười nhằm giảm thiểu thiệt hại do ngập úng trong mùa mưa.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện mới, khuyến khích nông dân canh tác các giống lúa chịu mặn, giống lúa ngắn ngày hoặc chuyển đổi sang trồng các loại rau màu trong mùa hạn, mặn.

Các mô hình trồng thanh long hữu cơ, dưa lưới trong nhà màng, rau màu theo hướng VietGAP, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước được nhân rộng. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kết hợp biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu, bệnh giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường cũng được quan tâm thực hiện.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, Sở triển khai nhiều hoạt động như quan trắc chất lượng nước mặt, nước ngầm, không khí; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường và tích hợp vào nền tảng quản lý đất đai; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về xả thải, khai thác tài nguyên.

Bên cạnh đó, Sở cũng chú trọng công tác kiểm kê khí nhà kính tại các cơ sở sản xuất, lập kế hoạch giảm phát thải và từng bước chuyển đổi sang mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Một số khu công nghiệp tại Đức Hòa, Cần Giuộc đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom rác thải công nghiệp nguy hại; đồng thời, triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cho các nhà máy nhằm tiết kiệm điện và giảm phát thải.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH cũng được đẩy mạnh thông qua các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều địa phương thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia làm sạch môi trường, trồng cây xanh, thu gom rác thải nhựa, tạo phong trào sống xanh trong cộng đồng dân cư.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, xây dựng các kịch bản ứng phó với BĐKH chi tiết theo từng vùng sinh thái.

Sở cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho các dự án thích ứng BĐKH và giảm phát thải, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Từ thực tiễn và những kết quả đã đạt, có thể khẳng định rằng tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển KT-XH bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thích ứng hiệu quả với BĐKH.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng trong khu vực về bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng với BĐKH. Đây không chỉ là trách nhiệm trước mắt mà còn là hành động thiết thực để bảo vệ tương lai của các thế hệ mai sau./.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/bao-ve-tai-nguyen-moi-truong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-a198034.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm