Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng từ tỉnh tới cơ sở, tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Tiêu biểu như các mô hình “Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực” được nhân rộng tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh với nhiều hoạt động phong phú. Các cấp Hội LHPN phối hợp triển khai mô hình “Chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ”, “Quản lý thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật”, CLB “Quyền trẻ em”... tại cấp cơ sở. Mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” được duy trì hoạt động với chức năng hỗ trợ khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại nhà tạm lánh đối với phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị xâm hại hoặc bị buôn bán người...
Với tinh thần “Dành những điều tốt nhất cho trẻ em”, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Nhất là việc ưu tiên nguồn lực lớn cho lĩnh vực y tế, giáo dục để bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh và nhu cầu học tập cho trẻ em trên địa bàn. Qua đó, đạt được nhiều kết quả về các chỉ số phát triển của trẻ em, tiêu biểu là các mục tiêu về chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bên cạnh công tác đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo sức răn đe, thì các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh cũng thực hiện tốt việc phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các hình thức đa dạng (hội họp, tuyên truyền trực quan, mạng xã hội...). Để qua đó, vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi gia đình cho tới toàn xã hội trong việc phòng chống xâm hại trẻ em; vừa giúp chính trẻ em cũng được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân khi cần thiết. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có gần 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có gần 2.000 trẻ thuộc diện mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng... là những trường hợp yếu thế. Các em rất cần sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, là động lực quan trọng để có cơ hội vươn lên trong học tập, lao động, được hòa nhập với cộng đồng và đóng góp cho xã hội.
Xuất phát từ thực trạng này, nhiều mô hình đỡ đầu, trợ giúp trẻ em được xây dựng thành mô hình điểm và dần được nhân rộng, đã phát triển thành phong trào rộng khắp. Tiêu biểu như: Hội LHPN tỉnh với mô hình “Mẹ đỡ đầu”, triển khai từ năm 2020 đến nay đã vận động đỡ đầu hằng tháng 435 trẻ em (91 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và 344 trẻ em mồ côi); Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh vận động các cơ quan, doanh nghiệp đỡ đầu 270 trẻ; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhận “Con nuôi biên phòng” và chương trình "Nâng bước em tới trường"...
UBND tỉnh vừa có Văn bản số 1058/UBND-VHXH (ngày 15/4/2025) “Về việc tăng cường thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em” để triển khai cụ thể hóa chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế đối với nhiệm vụ này. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại. Đồng thời cần giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại và cả hành vi che giấu vi phạm, việc thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm. Sở GD&ĐT có trách nhiệm trong việc rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; đồng thời tăng cường giáo dục kiến thức về giới, kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại cho học sinh và giáo viên.
Sở Y tế chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại... Đặc biệt là cần phổ biến rộng rãi trong nhân dân về Tổng đài quốc gia 111, Tổng đài của tỉnh 1800.1769 là đường dây nóng miễn phí về hỗ trợ tư vấn, tìm kiếm thông tin, tiếp nhận tố giác các hành vi xâm hại trẻ em.
Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Theo Công văn 1481/BYT-BMTE ngày 14/3/2025 của Bộ Y tế "về việc hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác trẻ em năm 2025", chủ đề tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 là “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”.
|
Nguồn: https://baoquangninh.vn/bao-ve-tre-em-phong-chong-hanh-vi-xam-hai-3357707.html
Bình luận (0)