Tại Hà Nội, vấn đề nhà ở đang trở thành một trong những nỗi lo lớn đối với người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình. Mặc dù thị trường bất động sản Thủ đô ngày càng phát triển, nhưng việc sở hữu một căn nhà vẫn là điều ngoài tầm với đối với nhiều gia đình.
Chị Trần Mai Hoa (34 tuổi, quê Phú Thọ) hiện làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội. Dù mức lương trung bình khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng, nhưng chị Hoa cho biết, dù tính toán kỹ lưỡng, chị vẫn không biết đến khi nào mới có thể sở hữu một ngôi nhà tại Hà Nội.
"Chi phí sinh hoạt ở Hà Nội rất đa dạng, hầu như bước ra đường là phải tiêu tiền. Dù tiết kiệm hết mức, tôi cũng chỉ dành dụm được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, tương đương gần 100 triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, với số tiền 3 tỉ đồng hiện nay, việc mua một căn chung cư ở khu vực nội thành Hà Nội vẫn là điều không hề dễ dàng", chị chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Hoa, nhiều gia đình trẻ ở Hà Nội cũng đang gặp khó khăn với bài toán "an cư" trong bối cảnh giá bất động sản không ngừng leo thang. Anh Bùi Minh Đức (29 tuổi, quê Thái Nguyên) cùng vợ và con hiện đang thuê một căn chung cư nhỏ tại Hà Nội.
Khi bắt đầu tìm hiểu về việc mua nhà, vợ chồng anh Đức không khỏi hoang mang vì trong khi thu nhập vẫn giữ nguyên nhiều năm, giá nhà tại Hà Nội lại tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn. Anh Đức cho hay, với số tiền tiết kiệm được mỗi tháng sau khi trừ chi phí sinh hoạt, vợ chồng anh rất khó mua được nhà, ngay cả ở khu vực ngoại thành.
Một nghiên cứu mới đây từ chuyên trang Batdongsan cũng cho thấy, tốc độ tăng giá nhà tại Việt Nam đang vượt xa thu nhập và người lao động, dù ở tầm tuổi nào đều gặp khó khăn khi tiếp cận. Cụ thể, tăng trưởng giá nhà trong 5 năm của Việt Nam đạt mức 59%, trong đó giá nhà trung bình tại Hà Nội hiện nay là 61 triệu đồng mỗi m2 còn TP HCM là 57 triệu đồng mỗi m2. Còn thu nhập bình quân của một lao động Việt Nam mỗi tháng vào khoảng 7,5 triệu đồng, tăng 7% mỗi năm.
Theo Batdongsan, nếu so sánh lương trung bình và giá nhà, một người lao động ở độ tuổi trên dưới 30 sẽ mất khoảng 25,8 năm thu nhập để mua được một căn chung cư (rộng 60 m2) với giá khoảng 3 tỉ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ, năm 2024 là năm bản lề, tạo nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam năm 2025 bước vào kỷ nguyên mới.
Trong quý đầu năm 2024, thị trường đón nhận một lượng lớn các môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS quay trở lại “vận hành” thị trường khi các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án với quy mô ngày càng lớn. Một số dự án có tiến độ triển khai tốt đã chính thức nhận cọc. Các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ,... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Quý II/2024, đà phục hồi của thị trường BĐS tiếp tục được duy trì, nguồn cung và lượng giao dịch trong quý tăng trưởng mạnh, lần lượt gấp 3 và gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, thông tin Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Khoản 2, Điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực sớm trước 5 tháng, càng tiếp thêm niềm tin cho các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực BĐS “sẵn sàng tái nhập cuộc”.
Sang đến quý III/2024, các quy định pháp lý về nhà ở, đất đai và kinh doanh BĐS được chính thức “bấm nút” có hiệu lực, loại bỏ tâm lý “trước giờ G” của cả thị trường. Thị trường cũng bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu thể hiện sự “tăng nhiệt" với câu chuyện đấu giá đất tại các khu vực vùng ven Hà Nội “nóng” hơn bao giờ hết. Sức nóng của thị trường còn được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, có mặt bằng giá liên tục tăng cao, thiết lập mặt bằng mới trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Qua đến quý cuối năm, trước sự “ấm” lên của thị trường, nhiều chủ đầu tư BĐS thay đổi kế hoạch, “tung” hàng sớm hơn dự kiến, kèm nhiều chính sách ưu đãi, giúp nguồn cung nhà ở “vượt” dự báo.
Đánh giá chung về thị trường BĐS năm 2025, PGS.TS Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đối mặt với 5 rủi ro chính gồm: Các rủi ro quốc tế; rủi ro kinh tế vĩ mô; rủi ro chính sách, cơ chế; rủi ro thị trường; rủi ro đối tác, tuy nhiên những rủi ro này sẽ tối thiểu hóa.
Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia này đưa ra 3 kịch bản của thị trường bất động sản trong năm nay.
Theo đó, kịch bản trung tính, thị trường có dấu hiệu tăng nhiệt nhưng không mạnh - đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, rõ nét nhất trong bối cảnh cuối năm 2024.
Kịch bản tích cực, thị trường bùng nổ, các phân khúc đều tăng trưởng mạnh mẽ - dù vậy, kịch bản này sẽ rất ít khả năng xảy ra.
Kịch bản khó khăn, là kịch bản không ai mong muốn nhất, ít có khả năng xảy ra, đó là thị trường đi xuống; tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra nếu xuất hiện những yếu tố bên ngoài nền kinh tế.
Trước những tác động bất lợi đối với thị trường bất động sản, PGS.TS Trần Kim Chung kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác thể chế hóa các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, đặc biệt là công cụ thuế và các công cụ tài chính phái sinh.
Đồng thời, khẩn trương thông qua Luật Thuế bất động sản. Ngoài ra, hiện thực hóa các cơ chế và đưa vào thực thi cơ chế, như thu hồi đất phụ cận các công trình hạ tầng đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch tạo vốn phát triển hạ tầng. Đồng bộ hóa các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, điều quan trọng nhất là cần được đồng bộ hóa các quy hoạch và đặt trên nền bản đồ giải thửa...
Năm 2025 được kỳ vọng là cột mốc quan trọng của thị trường bất động sản.
Chia sẻ với Lao Động, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định, bước vào năm 2025, thị trường bất động sản đã có khung pháp lý cơ bản bao gồm các Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; các văn bản hướng dẫn; bảng giá đất đã được ban hành và áp dụng cho năm 2025 cho các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.
Thị trường bất động sản năm 2025 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới. Tại thị trường Hà Nội, phân khúc căn hộ để bán vẫn sẽ là phân khúc dẫn dắt thị trường. Giá bán trên thị trường sơ cấp dự báo vẫn sẽ còn tăng thêm trong nửa đầu năm do phân khúc trung cao cấp vẫn chiếm tỉ trọng chính tại thị trường này. Bên cạnh đó, thị trường thứ cấp sẽ có sự chững lại về giá.
Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, để thị trường bất động sản Việt Nam 2025 phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, các chủ đầu tư cần đảm bảo mức giá phù hợp với sức mua của thị trường, thay vì tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn.
Ông Bình nhấn mạnh phân khúc bất động sản nhà ở sẽ vẫn dẫn dắt tiến trình phục hồi trong năm 2025 song vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa tích cực như nguồn cung yếu, cục bộ, giá bán tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng cao mới; thiếu trầm trọng nhà ở giá bình dân… Nguồn cung nhà ở xã hội không thể “đột phá” trong ngắn hạn nhưng những thông tin tích cực về phân khúc này phần nào đã tiếp thêm niềm tin cho người mua nhà trong năm 2025.
Cũng theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản thương mại vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định trong năm 2025 với trợ lực quan trọng từ nhu cầu của dòng vốn đầu tư ngoại, đang không ngừng gia tăng theo hướng có chọn lọc.
Ông Nguyễn Quốc Anh - chuyên gia bất động sản - nêu, từ quý IV/2024 đến quý II/2025 là khoảng thời gian thị trường bước sang giai đoạn củng cố. Nhà đầu tư dần yên tâm hơn với triển vọng phát triển của ngành địa ốc. Phân khúc chung cư lúc này sẽ nhường lại vị trí tâm điểm cho nhà riêng, nhà phố.
Sau giai đoạn này, thị trường sẽ tiến tới thời điểm khởi sắc, dự kiến sẽ bắt đầu từ quý II/2025 đến quý IV/2025, nhà đầu tư lúc này sẽ không còn quá đặt nặng yếu tố giá bán, pháp lý như thời điểm thị trường ảm đạm. Thay vào đó, tiềm năng tăng giá mới là mấu chốt quyết định xuống tiền. Những phân khúc sinh lời tốt như đất nền và biệt thự dự án cũng vì vậy mà được nhà đầu tư đặc biệt chú ý.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam, nhận định rằng chưa năm nào các doanh nghiệp bất động sản lại có cái nhìn lạc quan và niềm tin mạnh mẽ vào thị trường như năm 2025.
Theo ông Toản, sự quyết liệt trong chỉ đạo phát triển kinh tế từ cấp cao nhất, cùng hàng loạt nghị quyết và nghị định được ban hành nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, đã tạo điều kiện tích cực cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/emagazine/bat-dong-san-2025-co-hoi-but-pha-trong-ky-nguyen-moi-1447959.ldo
Bình luận (0)