Quảng bá du lịch qua mạng xã hội
Cách TP.Kon Tum hơn 80 km, xã Đăk Na (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp, với những cánh rừng nguyên sinh, thác công chúa Siu Puông tuyệt đẹp, đồi cỏ xanh mướt, hệ thống ruộng bậc thang và đồi săn mây... Xã Đăk Na cũng là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa vô giá của đồng bào Xơ Đăng. Những yếu tố này đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Na, chị Y Gia Nhi (30 tuổi, thôn Mô Bành 1) hiểu rõ vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây. Ý tưởng làm du lịch đến với chị vào 2 năm trước, trong lần thấy khách du lịch đi ngang qua làng và hỏi thăm đường lên thác Siu Puông. Chị lên mạng tìm hiểu về cách thiết kế tour, xây dựng kênh quảng bá, kết nối với các công ty du lịch… Chị còn liên kết với người dân địa phương lập đội chiêng, múa xoang, đội xe thồ, đội ẩm thực... để cùng phục vụ khách.

Để quảng bá vẻ đẹp quê hương và thu hút khách du lịch, chị Nhi còn thường xuyên đăng tải hình ảnh núi đồi, thác nước lên mạng xã hội. Cũng trên nền tảng này, cảnh đẹp Đăk Na được nhiều người biết đến. Khách của chị đều là những người yêu thiên nhiên, đam mê trải nghiệm.
Có khoảng 60 người dân hưởng lợi từ việc liên kết làm du lịch với chị Nhi thông qua biểu diễn cồng chiêng, chở khách, chế biến ẩm thực và bán đặc sản địa phương. "Trung bình thu nhập của bà con mỗi tour là 300.000 đồng/người. Tùy theo mùa, mỗi tháng bà con có thêm thu nhập từ 1 - 3 triệu đồng. Bà con thu tiền từ việc chở khách lên thác, phục vụ các bữa ăn, văn nghệ… Ngoài mang lại thu nhập cho người dân, điều mình vui nhất là đã góp phần quảng bá vẻ đẹp du lịch, bản sắc văn hóa của địa phương đến du khách khắp mọi miền Tổ quốc. Rất vui khi những khách được mình phục vụ lại kết nối đoàn khách mới cho mình. Cứ như vậy, cảnh đẹp Đăk Na càng được mọi người biết đến nhiều hơn", chị Nhi nói.
Giới thiệu đến bạn bè quốc tế
Là ngôi làng cổ có tuổi đời trên 300 năm, Kon K'tu (xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum) nằm yên bình bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng. Sinh ra và lớn lên ở Kon K'tu, anh A Kâm (33 tuổi) luôn muốn giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước về vẻ đẹp của làng mình.
Năm 2020, Kon K'Tu được công nhận là làng du lịch cộng đồng của Kon Tum. Bắt đầu từ đây, anh A Kâm nảy ra ý tưởng làm du lịch. Anh vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng homestay. Để có thêm kinh nghiệm, anh đăng ký với chính quyền địa phương đi tập huấn thực tế các mô hình du lịch ngoài tỉnh. Trải qua các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch cùng với vốn tiếng Anh giao tiếp từng học ở trường ĐH, anh bắt đầu hành trình làm du lịch của mình.

"Thời gian đầu, có nhiều người nước ngoài đến làng tham quan. Do biết ngoại ngữ nên mình đã đưa họ đi thăm thú và giới thiệu những cảnh đẹp, phong tục truyền thống của làng. Sau khi về nước, những vị khách lại giới thiệu cho người bạn khác. Dần dần, homestay của mình được biết đến nhiều hơn", anh A Kâm kể.
Không chỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú, anh A Kâm còn tổ chức các tour du lịch ngắm lòng hồ thủy điện, chèo thuyền trên sông Đăk Bla, trải nghiệm leo núi, làm ruộng, làm rẫy… Những tour du lịch trải nghiệm mới mẻ này đều tạo ra sự tò mò, thích thú cho khách tham quan. Đến nay, mỗi tháng homestay của anh đón từ 1 - 2 đoàn khách du lịch nước ngoài.
Anh A Kâm còn liên kết với người dân địa phương để làm du lịch. Khi khách có nhu cầu, anh sẽ liên hệ với người dân trong làng biểu diễn múa xoang, chế biến ẩm thực hoặc tham gia chèo thuyền đưa khách đi trải nghiệm trên sông... Mối liên kết này giúp người dân có thêm thu nhập, hình ảnh làng Kon K'tu cũng được giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Theo bà Bạch Thị Mân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, việc thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia làm du lịch cho thấy hiệu quả của cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Với đức tính chịu thương chịu khó, tư duy nhanh nhạy, sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã có đóng góp lớn trong việc quảng bá hình ảnh địa phương và phát triển du lịch.
"Các bạn là người địa phương, am hiểu bản sắc, văn hóa, phong tục của dân tộc nên có nhiều lợi thế trong việc giới thiệu đến khách du lịch. Hơn nữa, còn rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận mô hình mới, sáng tạo những cách làm hay để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Không chỉ vậy, các bạn còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua việc liên kết với người dân biểu diễn cồng chiêng, xoang phục vụ du khách", bà Mân nói.
Theo Đức Nhật (TNO)
Nguồn: https://baogialai.com.vn/bat-ngo-cach-lam-du-lich-cua-thanh-nien-vung-dai-ngan-post317602.html
Bình luận (0)