Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bệnh nhân tự ý rời viện - canh bạc với tử thần

Sau tai nạn giao thông, người đàn ông 49 tuổi được chẩn đoán xuất huyết não nhưng hoàn toàn tỉnh táo, nhất quyết xin về vì lo toan gánh nặng gia đình.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương12/05/2025


tu-y-benh-vien.jpg

Bác sĩ động viên tâm lý và giải thích bệnh tình cho người nhà bệnh nhân (ảnh minh họa)

Dù được khuyên giải, người đàn ông ở Hà Nội vẫn không đổi ý, cuối cùng ký giấy tự nguyện xuất viện. Tuy nhiên, chưa kịp rời đi thì cơn đau đầu ngày dữ dội ập đến do áp lực nội sọ tăng lên nhiều. Ông rơi vào hôn mê, may mắn được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch.

Đây là một trong nhiều trường hợp mà bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật và can thiệp mạch máu, lồng ngực từng tiếp nhận. Theo ông Mạnh, nhiều bệnh nhân chấn thương sọ não không biết rằng giai đoạn ban đầu tỉnh táo, gọi là "khoảng tỉnh", chỉ là dấu hiệu tạm thời. Khi biến chứng, tình trạng có thể khiến người bệnh hôn mê, thậm chí tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Thời gian "khoảng tỉnh" càng ngắn, nguy cơ càng lớn, nhưng nhiều người vẫn chủ quan vì nghĩ rằng bản thân đã bình phục.

Sự chủ quan của người bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, hoàn cảnh. Một nữ bệnh nhân 42 tuổi bị viêm phổi, sốt cao, khó thở, được bác sĩ Phan Văn Phúc, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo cần điều trị kháng sinh đủ liệu trình, thế nhưng chỉ sau hai ngày hạ sốt, chị vội ký giấy xuất viện. Kết cục, bệnh tái phát nặng, người phụ nữ nhập viện lại trong tình trạng suy hô hấp và sốc nhiễm trùng.

Theo nghiên cứu đăng trên BMC Medicine, các bệnh nhân tự ý rời viện khi điều trị chưa hoàn tất có tỷ lệ tái nhập viện và tử vong cao hơn tới 30 - 40% so với người tuân thủ đủ phác đồ.

Không chỉ những bệnh lý thể chất, áp lực tinh thần cũng khiến nhiều người rời viện sớm. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, từng tiếp nhận trường hợp cô gái trẻ trầm cảm mức độ trung bình, bỏ điều trị vì "ở viện thấy ngột ngạt". Chỉ sau một tháng, bệnh nhân trở lại trong tình trạng nặng, có ý định tự tử.

Bệnh nhân đang điều trị nhưng vẫn nhất quyết xin về giữa chừng là một thực tế không hiếm gặp trong bệnh viện. Một số lý do thường thấy bao gồm: rào cản kinh tế, sợ hãi bệnh viện, thiếu hiểu biết về bệnh tình, vấn đề tâm lý và tinh thần (thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tâm thần) hay trách nhiệm gia đình chưa sắp xếp được.

Nhiều người không đủ khả năng chi trả viện phí dù có BHYT, sợ làm gánh nặng cho gia đình, đặc biệt khi là trụ cột thu nhập hoặc người chăm sóc chính. Nổi bật trong số này là bệnh ung thư do thời gian điều trị lâu, tốn kém, ít cơ hội sống nếu phát hiện muộn.

Lãnh đạo bệnh viện K cho biết một người điều trị thuốc đích hoặc liệu pháp miễn dịch có thể tốn 120 - 150 triệu đồng mỗi tháng, khoảng 500 - 600 triệu đồng đến vài tỷ một năm, tùy từng chỉ định và loại thuốc. Mỗi người bệnh có thể phải điều trị trong một đến hai năm. Chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình tại viện này trên 176 triệu đồng một năm. Bảo hiểm chi trả khoảng 52 triệu đồng và người bệnh phải tự chi trả khoảng 124 triệu đồng, chiếm 70% tổng chi phí điều trị. Hiện, chỉ khoảng 10% bệnh nhân ung thư được tiếp cận liệu pháp này.

Có người lại nghĩ mình "không nặng đến mức đó", hoặc ngược lại, cảm thấy quá nặng, không còn khả năng cứu chữa nên xin về. Điều này cũng xuất phát từ việc thiếu hiểu biết bệnh tình, không nhận ra điều trị chưa dứt điểm có thể gây biến chứng hoặc tái phát, chủ quan bỏ giữa chừng, về chữa mẹo, thuốc nam hoặc lời khuyên từ người không chuyên.

Như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ từng cấp cứu cụ bà 72 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, 7 lần tim ngừng đập, dù gia đình xin đưa về song bác sĩ khuyên "còn nước còn tát". Cuối cùng sau 6 lần cấp cứu với tình trạng hôn mê sâu, đến lần thứ 7 thì có tim đập trở lại, người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị, sức khỏe sau đó ổn định dần.

Cùng với khó khăn kinh tế là tâm lý sợ hãi và mệt mỏi. Không ít người cảm thấy chính môi trường bệnh viện chật chội, áp lực, điều kiện sinh hoạt ngột ngạt trở thành một "liều thuốc độc" về tinh thần. Khi mỗi chiếc giường bệnh là một cuộc chiến giành sự sống, cảm giác kiệt sức về tâm lý lẫn thể xác khiến nhiều bệnh nhân chỉ mong sớm được về nhà, bất chấp cảnh báo của bác sĩ.

Bác sĩ Phúc cho rằng bệnh nhân đòi về khi chưa điều trị dứt điểm có thể trả giá bằng chính sức khỏe, thậm chí mạng sống. Đơn cử, bệnh viêm phổi có thể biến chứng thành suy hô hấp, viêm ruột thừa vỡ gây nhiễm trùng huyết, các bệnh nội khoa như tăng huyết áp, suy tim, việc ngưng điều trị hoặc không theo dõi sát sao có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, hoặc tử vong.

Bệnh nhân phải nhập viện trở lại trong tình trạng khó cứu chữa hơn lần đầu. Đặc biệt ở những ca nặng hoặc có yếu tố tâm thần như trầm cảm nặng, ảo giác, ý định tự tử, việc ra viện khi chưa ổn định có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Bỏ điều trị giữa chừng còn gây nhờn, kháng thuốc, hoặc khiến phác đồ sau đó phải mạnh và độc hơn. Chưa kể, mất niềm tin giữa bệnh nhân và bác sĩ sẽ khiến bệnh nhân không hợp tác điều trị ở những lần tiếp theo.

Về vấn đề tâm lý, khi người bệnh nhất quyết xin về, nhân viên y tế có thể sẽ cảm thấy bất lực hoặc đau lòng, trong khi gia đình sống trong lo lắng hoặc day dứt nếu tình trạng bệnh xấu đi, theo bà Thu.

Quá tải ở khu hồi sức tích cực viện Nhiệt đới TP HCM năm 2022 trong đợt dịch sốt xuất huyết cao điểm. Ảnh: Quỳnh Trần

Quá tải ở khu hồi sức tích cực viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch sốt xuất huyết cao điểm

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là cần xây dựng niềm tin và sự thấu hiểu. Việc đầu tiên là các y bác sĩ phải lắng nghe, tôn trọng suy nghĩ, hoàn cảnh của người bệnh, từ đó giải thích rõ ràng bằng ngôn ngữ dễ hiểu về nguy cơ, nguy hiểm nếu rời viện trước thời điểm an toàn. Đơn giản hóa thông tin y khoa, lấy ca bệnh thực tế minh họa có thể giúp xóa đi sự chủ quan, mơ hồ.

Song song, chính sách hỗ trợ tài chính cần tiếp cận được đúng đối tượng: đẩy mạnh quỹ trợ giúp bệnh nhân nghèo, tối ưu hóa chi trả bảo hiểm, mở rộng cơ hội tiếp cận các loại thuốc mới. Ở một khía cạnh khác, nâng cao điều kiện vật chất, cải thiện môi trường sinh hoạt, giảm bớt áp lực tâm lý - vốn là những yếu tố vô hình nhưng bào mòn sức lực bệnh nhân, cũng cần được chú trọng.

Quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy của xã hội về việc chữa bệnh phải "đến nơi đến chốn", coi việc hoàn tất điều trị như xây móng vững chắc cho hành trình hồi phục. "Một quyết định vội vã rời viện không chỉ trả giá bằng sức khỏe, mà còn để lại những tiếc nuối không gì bù đắp nổi cho cả gia đình và đội ngũ y tế", bác sĩ Phúc cho hay.


T.H (theo VnExpress)

Nguồn: https://baohaiduong.vn/benh-nhan-tu-y-roi-vien-canh-bac-voi-tu-than-411344.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm