Bị EU đe dọa, số phận "hạm đội bóng tối" của Nga sẽ ra sao?

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế14/02/2025

Hôm 10/2, ông Alexei Zhuravlev, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Nga, cảnh báo việc thu giữ tàu chở dầu Nga có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa.


Bị EU đe dọa, số phận 'hạm đội bóng tối' của Nga sẽ ra sao?
Tổng thống Putin chắc chắn ​​sẽ phản ứng mạnh mẽ với kịch bản các nước EU thu giữ "hạm đội bóng tối" ở Baltic. (Nguồn: Politico)

Tờ Politico đưa tin, một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Phần Lan, Lithuania, Estonia và Latvia, đang cân nhắc việc đưa ra các cơ chế pháp lý mới để tịch thu thêm các tàu trong "hạm đội bóng tối" của Nga trên Biển Baltic theo điều luật Chống cướp biển và luật Môi trường quốc tế. Thậm chí, các nước này có thể thông qua một số điều luật quốc gia để hợp pháp hóa động thái này.

"Hạm đội bóng tối" là cách phương Tây gọi những con tàu cố ý tắt hệ thống nhận diện để che giấu hành tung, có thể là để xóa nguồn gốc hàng hóa như dầu mỏ bị áp lệnh trừng phạt của Moscow.

Động thái này phát sinh từ vụ việc diễn ra ngày 25/12/2024, khi tuyến cáp Estlink 2 kết nối Phần Lan và Estonia bị phá hỏng, làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về an ninh đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực.

Chính quyền Helsinki sau đó đã bắt giữ tàu chở dầu Eagle S, thuộc “hạm đội bóng tối” của Nga đang vận chuyển dầu thô từ Nga đến Ai Cập vào thời điểm xảy ra vụ việc và được nhìn thấy gần hiện trường. Con tàu hiện đang bị giam giữ trong lãnh hải Phần Lan, nơi một cuộc điều tra đang được tiến hành để làm rõ mọi tình tiết của vụ việc.

Sự kiện trên đã trở thành chủ đề của các cuộc thảo luận quốc tế về an toàn vận tải hàng hải và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng ở Biển Baltic. Vụ việc cũng thúc đẩy các quốc gia trong EU cân nhắc việc "để mắt" nhiều hơn đến hạm đội đặc biệt của Nga với mục đích là cắt giảm dòng doanh thu chảy về Điện Kremlin từ việc bán dầu giảm giá cho khu vực châu Á.

Ước tính, khoảng 40% tàu thuộc "hạm đội bóng tối" của Moscow đi qua Biển Baltic, tương đương với gần 350 tàu có tổng doanh thu tương đương khoảng một phần ba ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga. Vì vậy việc ngăn chặn hạm đội này hoạt động có thể "giáng một đòn mạnh" vào Điện Kremlin xét trên phương diện tài chính.

Tuy nhiên, theo tờ Politico, động thái mới của EU có thể vấp phải nhiều khó khăn thách thức. Đầu tiên, luật pháp quốc tế và quyền sở hữu của nước thứ ba đối với một số tàu trong "hạm đội bóng tối" sẽ kéo theo khoản chi phí rất lớn về chính trị và pháp lý - điều mà Phần Lan đang phải đối mặt sau sự cố diễn ra hồi tháng 12.

Điều này có thể khiến các quốc gia có ý định thu giữ tàu trong "hạm đội bóng tối" của Moscow phải suy nghĩ, đặc biệt khó lòng có thể trông cậy vào sự giúp đỡ từ ngay cả EU chứ đừng nói đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay chính quyền mới của Mỹ.

Cuối cùng, căng thẳng có nguy cơ leo thang trong trường hợp Nga điều động các đoàn tàu hải quân để hộ tống "hạm đội bóng tối" của mình qua biển Baltic.

Hôm 10/2, ông Alexei Zhuravlev, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Nga, cảnh báo việc thu giữ tàu chở dầu Nga có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa. Ông này khẳng định "mọi cuộc tấn công vào các tàu vận tải của chúng tôi có thể bị coi là cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, ngay cả khi con tàu mang cờ nước ngoài".

Ông Zhuravlev còn cho biết, Nga có thể đáp trả châu Âu bằng cách cho lực lượng "đổ bộ lên các tàu phương Tây đi qua biển Baltic" hoặc điều động Hạm đội Baltic của nước này.

Giới phân tích nhận định, Tổng thống Putin chắc chắn ​​sẽ phản ứng mạnh mẽ với kịch bản các nước EU thu giữ "hạm đội bóng tối" ở Baltic, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị và dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không ủng hộ việc leo thang chống lại Nga, ít nhất là vào thời điểm này, vì vậy ông có thể không mở rộng các bảo đảm theo Điều 5 cho các đồng minh có những động thái tương tự Phần Lan.

Vì vậy, số phận "hạm đội bóng tối" của Nga có khả năng sẽ vẫn an toàn và khả năng các nước châu Âu tịch thu tàu của Moscow là thấp và nếu có thì chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng rất mạnh mẽ từ phía Điện Kremlin.



Nguồn: https://baoquocte.vn/bi-eu-de-doa-so-phan-ham-doi-bong-toi-cu-a-nga-se-ra-sao-304336.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available