Tổng điểm 29,5 của Lê Khánh Nguyên - Thủ khoa khối C00 TP. Đà Nẵng.
"Đồng hồ điểm 8 giờ, em vội vào hệ thống tra điểm. Em tra tới 3 lần để chắc chắn. Và rồi em vỡ òa khi biết mình được tổng 29,5 điểm. Càng bất ngờ hơn khi em trở thành thủ khoa khối C00 của TP. Đà Nẵng. Em nghĩ kết quả này là sự may mắn, cũng chính là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng của bản thân. Thật ra tất cả đều nằm trong 'bí kíp học tập gia truyền' của em" - Khánh Nguyên nhớ lại.
Học với tinh thần tích cực
Nguyên mang theo ước mơ gắn bó với văn học tại giảng đường Sư phạm Đà Nẵng.
Là một học chuyên Văn với những thành tích nổi bật cùng môn học sở trường, nhưng ít ai biết Nguyên từng là học sinh trung bình chính môn chuyên này.
Nguyên chia sẻ những năm cấp 1, bản thân không yêu thích văn. Nhưng từ khi được thầy giáo dạy lớp 5 tuyên dương, Nguyên "phá kén", lột bỏ lớp vỏ tự ti và bắt đầu hứng thú với văn học. "Đôi khi một lời động viên giản đơn cũng đủ đổi được một tương lai tốt đẹp" - Nguyên nói.
Từ đó, cô gái nhỏ say mê đọc sách, học văn với tinh thần tích cực. Nhờ văn chương, em mở lòng hơn, sống gần gũi với thiên nhiên, yêu quê hương và hiểu sâu sắc hơn về bản thân cũng như cuộc sống.
Nguyên đến với hai môn Sử và Địa cũng bằng niềm hứng thú đặc biệt với con người và thế giới xung quanh. Nhờ đam mê xã hội học, Nguyên chủ động học hỏi, nghiên cứu tài liệu, từ đó xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc và tự tin chinh phục kỳ thi THPT năm 2025 với điểm số ấn tượng.
"Cũng có những lúc bản thân áp lực với các kỳ thi quan trọng, các bài tập khó…, em chọn cách đi ngủ để đánh bại căng thẳng hoặc đọc sách thiếu nhi để xoa dịu tâm hồn. Em phải tự chữa lành thế giới cảm xúc hỗn độn bên trong trước khi mở lòng đón nhận tri thức. Nhờ đó, em tiếp nhận kiến thức một cách sâu sắc, hiểu được bản chất vấn đề" - Nguyên bộc bạch.
Phương pháp học "3 giai đoạn"
Nguyên đón nhận tri thức bằng tâm lý thoải mái và lưu trữ một bí quyết học tập khoa học, bài bản và đã thu được kết quả cao.
Giai đoạn đầu, cô thu thập kiến thức, xây dựng nền tảng tri thức phong phú, lý thú, phục vụ cho môn học, ngành học. Thay vì sao lưu thông tin bằng hình ảnh, Nguyên ghi nhớ bằng âm thanh bằng cách chăm chú nghe giảng, ghi chú lại những từ khóa, ý chính, lời hay, ghi âm các dữ liệu về bài học trên lớp để về nghe lại.
Sau khi lưu trữ một lượng kiến thức khổng lồ, Khánh Nguyên tổng hợp, phân tích dữ liệu, chọn lựa từ khóa, suy ngẫm bản chất vấn đề.
Với môn Văn, em nắm vững kiến thức lý luận văn học. Với Sử, em phân nhóm nội dung cơ bản (gồm sự kiện, bối cảnh, nguyên nhân, ý nghĩa) và tổng hợp những lỗi sai hay mắc phải. Còn Địa lý, một môn học khá "thách thức" với Nguyên, em tiếp xúc đa chiều các kiến thức trên lớp, trên mạng và từ chính trải nghiệm của bản thân với địa danh, văn hóa địa phương…
Và giai đoạn cuối cùng là luyện đề, luyện viết. Nguồn đề của em đến từ thầy cô, bạn bè, trên internet, chủ yếu là đề tham khảo của các tỉnh thành năm nay. Nguyên cho rằng việc luyện đề giúp em không chỉ tiếp nhận được kiến thức đa dạng mà còn hình thành tư duy xâu chuỗi, tổng hợp lại kiến thức đã được tiếp nhận. Từ đó em đánh giá rõ về thế mạnh và hạn chế của bản thân để khắc phục, trau dồi thêm.
Gia đình hạnh phúc, tạo điều kiện cho con học hành là nền tảng cơ bản để cô gái nhỏ đón nhận tri thức một cách toàn diện.
Hạnh phúc khi con gái đạt thành tích cao, bà Vương Thị Hồng Hạnh (mẹ Khánh Nguyên) chia sẻ: "Gia đình tôi rất vui khi sự nỗ lực của con đã được đền đáp xứng đáng. Tôi hiểu con là một đứa trẻ yêu tự do, thích sự thoải mái nên ba mẹ luôn cố gắng dành nguồn tài nguyên tốt nhất cho con học tập, đặc biệt tạo không khí gia đình vui vẻ, không gây áp lực về điểm số, thành tích cho con".
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bi-quyet-danh-bai-cang-thang-cua-nu-thu-khoa-khoi-c-2025071814530876.htm
Bình luận (0)