Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy vừa ký quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Nội vụ năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy (Ảnh: Trí Đức).
Chương trình nhằm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy lùi thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Sắp xếp bộ máy tinh gọn; đốc thúc 51 địa phương sắp xếp cấp huyện
Tại quyết định, Bộ Nội vụ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, ngân sách; tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ.
Trong đó, Bộ Nội vụ nhấn mạnh tập trung vào sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.
"Hoàn thành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ", quyết định nêu rõ.
Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Năm nay, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra.
Bên cạnh đó, thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ được tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ.
Các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính các cấp phải được triển khai hiệu quả.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ dự kiến hướng dẫn, đôn đốc 51 địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động phương án sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030.
Huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Cổng TTĐT Thanh Thủy).
Sàng lọc công chức, viên chức để tinh giản biên chế
Ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, năm nay Bộ Nội vụ phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội hoặc bổ sung tăng chi đầu tư công.
"Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ và tổ chức bên trong của bộ (giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong, không bao gồm tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhất), bảo đảm bám sát yêu cầu, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương", Bộ Nội vụ nêu rõ.
Bộ Nội vụ dự kiến hoàn thành xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá và thực hiện rà soát, sàng lọc công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách để giảm biên chế theo phương án, lộ trình thực hiện Nghị định 178/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cuối cùng, Bộ Nội vụ cho biết sẽ đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Điều này nhằm thực hiện đúng theo Kết luận số 40-KL/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Tập trung vào lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài chính công, tài sản công
Bộ Nội vụ yêu cầu xây dựng kế hoạch và tập trung tổ chức kiểm tra một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm, cụ thể cần tập trung vào các lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài chính công, tài sản công.
Đối với những vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thủ trưởng đơn vị phải khắc phục, xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
"Quyết liệt trong xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra để thu hồi tối đa cho Nhà nước tiền, tài sản bị vi phạm, chiếm đoạt, sử dụng sai quy định, lãng phí phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra", Bộ Nội vụ nêu rõ.
Dantri.com.vn
Bình luận (0)