Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bong bóng AI trên phố Wall: Lặp lại bi kịch dot-com hay bước nhảy vĩ đại?

(Dân trí) - Khi cơn sốt AI đẩy Nvidia cán mốc 4.000 tỷ USD, giới phân tích cảnh báo: bong bóng lần này có thể còn nguy hiểm hơn thời dot-com. Phố Wall đang viết nên một kỳ tích công nghệ hay lặp lại bi kịch cũ?

Báo Dân tríBáo Dân trí17/07/2025

Năm 1999, phố Wall đã từng tin rằng họ đã tìm ra chìa khóa của tương lai. Từ khóa ma thuật lúc đó là ".com". Những công ty không có doanh thu, chỉ có "lượt truy cập", được định giá hàng tỷ USD.

Các nhà phân tích vẽ nên một viễn cảnh về một thế giới được số hóa hoàn toàn, không còn ma sát. Rồi thực tế phũ phàng ập đến. Tiếng vỡ tan của bong bóng dot-com từ tháng 3/2000 đến tháng 10/2002 đã cuốn phăng 5.000 tỷ USD giá trị thị trường, để lại một thế hệ nhà đầu tư với những bài học xương máu.

Một phần tư thế kỷ sau, vào tháng 7 năm nay, lịch sử dường như đang gõ cửa một lần nữa. Nhưng lần này, từ khóa ma thuật đã đổi thành "AI".

Sự kiện Nvidia, gã khổng lồ chip đồ họa, trở thành công ty đầu tiên trên thế giới vượt mốc vốn hóa 4.000 tỷ USD là "phát súng lệnh" cho một bữa tiệc hoành tráng. Cả phố Wall chìm trong cơn say trí tuệ nhân tạo. Các cổ phiếu như Microsoft, Google, Meta được đẩy lên những đỉnh cao chưa từng thấy. Chỉ số S&P 500 liên tục lập kỷ lục mới. Nhưng giữa khung cảnh tưng bừng đó, Torsten - chuyên gia kinh tế trưởng đầy ảnh hưởng của gã khổng lồ đầu tư Apollo Global Management - đã dội một gáo nước lạnh vào đám đông.

Trong một bản phân tích sắc lẹm đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt trong giới tài chính, ông đưa ra một kết luận đáng báo động: "Điểm khác biệt giữa bong bóng công nghệ những năm 1990 và bong bóng AI hiện tại là nhóm 10 công ty hàng đầu trong chỉ số S&P 500 ngày nay bị định giá cao hơn đáng kể so với thời điểm những năm 1990".

Lời cảnh báo của Slok không phải là một ý kiến cảm tính. Nó dựa trên một biểu đồ khiến bất kỳ ai cũng phải dừng lại để suy ngẫm.

Bong bóng định giá AI: Khi phố Wall đặt cược cả thị trường vào một ván bài hoàn hảo

Một biểu đồ tài chính tưởng như đơn giản từ Apollo Global lại đang vẽ nên một bức chân dung đầy ám ảnh về sự thổi phồng đang diễn ra trên phố Wall. Torsten , nhà kinh tế trưởng của Apollo, đã so sánh tỷ lệ giá trên lợi nhuận dự phóng (forward P/E) giữa nhóm 10 công ty lớn nhất S&P 500 và 490 công ty còn lại. Chỉ số then chốt này phản ánh mức độ kỳ vọng mà nhà đầu tư đang đặt vào tương lai của một doanh nghiệp: P/E càng cao, kỳ vọng càng lớn.

Kết quả mà biểu đồ phơi bày khiến nhiều người không khỏi giật mình. Năm nay, khoảng cách giữa 2 nhóm công ty đã vượt xa cả giai đoạn đỉnh điểm của bong bóng dot-com năm 2000. Điều này có nghĩa là giới đầu tư đang đặt niềm tin vào những ông lớn như Nvidia, Meta, Microsoft, Apple và Google với một sự lạc quan thậm chí còn cực đoan hơn cả niềm tin họ từng dành cho Cisco hay AOL cách đây hơn 2 thập kỷ.

Sự hưng phấn thái quá này đang tạo ra một hiện tượng nguy hiểm: đà tăng điểm cực kỳ lệch lạc. Dù nhìn bề ngoài, chỉ số S&P 500 có vẻ khỏe mạnh, nhưng khi phân tích kỹ, gần như toàn bộ mức tăng của thị trường chỉ đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ hàng đầu. 490 công ty còn lại gần như dậm chân tại chỗ. Nói cách khác, vận mệnh của cả thị trường chứng khoán Mỹ, và theo đó là hàng triệu tài khoản hưu trí, quỹ đầu tư, tài sản hộ gia đình, đang đặt cược vào một nhóm công ty có thể đếm trên đầu ngón tay.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong số đó, chẳng hạn như Nvidia, báo cáo kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng? Trong một thị trường mà kỳ vọng đã được đẩy lên mức tuyệt đối, chỉ cần một cú “hắt hơi” từ nhóm này cũng có thể khiến cả phố Wall "cảm lạnh".

Bong bóng AI trên phố Wall: Lặp lại bi kịch dot-com hay bước nhảy vĩ đại? - 1

Nơi tất cả bắt đầu: ChatGPT của OpenAI ra mắt vào tháng 11/ 2022 (Ảnh: MauriceNorbert/Alamy).

Dĩ nhiên, không ít người sẽ phản biện rằng “lần này khác biệt” và họ có lý khi nói vậy. Những ông lớn công nghệ hiện nay không còn là các start up “ý tưởng hay nhưng không có tiền” như thời dot-com. Họ là những cỗ máy tạo ra hàng chục tỷ USD lợi nhuận mỗi quý. Microsoft và Google có dòng tiền vững vàng. Nvidia đã vượt khỏi vai trò nhà sản xuất GPU để trở thành nền tảng phần cứng không thể thiếu của cuộc cách mạng AI toàn cầu. So với thời kỳ 1999, nền tảng tài chính của nhóm công ty này mạnh mẽ hơn gấp bội.

Nhưng chính tại đây, lời cảnh báo của Torsten mới thực sự đáng suy ngẫm. Vấn đề không nằm ở chỗ các công ty AI không có lãi mà nằm ở chỗ Phố Wall đang định giá họ như thể tương lai là hoàn hảo. Một tương lai nơi AI không chỉ nâng cao năng suất, mà còn tiết kiệm hàng nghìn tỷ đô la, duy trì tăng trưởng thần tốc trong nhiều năm, và hiện thực hóa mọi lời hứa đẹp đẽ từ thung lũng Silicon.

Song, lịch sử tài chính luôn cho thấy không có gì tăng mãi mãi. Mọi bong bóng, dù được bơm phồng bằng lợi nhuận thực hay chỉ là kỳ vọng, đều có điểm giới hạn. Và khi kỳ vọng vượt xa thực tế, dù chỉ một chút, thị trường sẽ luôn biết cách đòi lại cái giá mà nó đã trả quá đắt cho giấc mơ không tưởng.

Tâm lý học của cơn sốt vàng AI

Sự tương đồng về mặt tâm lý giữa năm 2025 và 1999 thật đáng kinh ngạc. Ngày nay, trong các cuộc họp báo cáo lợi nhuận, mọi CEO đều cảm thấy bắt buộc phải nhắc đến "chiến lược AI" của mình. Nó giống hệt như cách các công ty vội vã thêm đuôi ".com" vào tên của mình để thu hút nhà đầu tư 2 thập kỷ trước.

Cổ phiếu đang tăng giá dựa trên tiềm năng và câu chuyện về AI, chứ không hoàn toàn dựa trên doanh thu và lợi nhuận thực tế mà AI mang lại cho toàn bộ nền kinh tế. Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) đang lan tỏa khắp thị trường. Các nhà đầu tư nhìn vào mức tăng phi thường của Nvidia và tự nhủ rằng họ không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Phố Wall đang định giá AI như thể đây là một công nghệ kỳ diệu, không rủi ro, không giới hạn - một cỗ máy tạo ra lợi nhuận vĩnh cửu. Nhưng thực tế, dưới lớp hào quang đó là hàng loạt bất ổn tiềm ẩn mà các nhà đầu tư có thể đang xem nhẹ.

Trước hết là rủi ro đến từ chính sách. Khi AI ngày càng thể hiện sức ảnh hưởng sâu rộng, từ thị trường việc làm đến an ninh quốc gia, các chính phủ chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc. Những quy định pháp lý nghiêm ngặt hơn có thể sớm được ban hành, siết lại quyền lực của các gã khổng lồ công nghệ và làm chậm tốc độ thương mại hóa AI.

Tiếp theo là vấn đề chi phí. Phát triển và vận hành các mô hình AI tiên tiến như GPT-4 hay Gemini không chỉ đắt đỏ, mà còn tiêu tốn lượng điện và tài nguyên khổng lồ. Khi lợi nhuận chưa thực sự rõ ràng, câu hỏi về hiệu suất đầu tư (ROI) vẫn treo lơ lửng, khiến nhiều chuyên gia phải dè dặt.

Không thể bỏ qua hiện tượng “ảo giác AI” khi các mô hình ngôn ngữ tạo ra thông tin sai lệch một cách thuyết phục. Điều này có thể dẫn đến các quyết định sai lầm trong kinh doanh, truyền thông hoặc thậm chí gây bất ổn xã hội nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Và cuối cùng là tốc độ hấp thụ. Thị trường đang kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tích hợp AI vào mọi quy trình, nhưng thực tế lại phức tạp hơn. Việc triển khai AI hiệu quả đòi hỏi sự thay đổi cơ cấu, đầu tư dài hạn và lực lượng lao động đủ kỹ năng - điều mà không phải công ty nào cũng sẵn sàng.

Nói cách khác, AI có thể là tương lai, nhưng không phải tương lai nào cũng đến mà không có cái giá đi kèm.

Bong bóng AI trên phố Wall: Lặp lại bi kịch dot-com hay bước nhảy vĩ đại? - 2

Các tập đoàn lớn trên thế giới đang chi mạnh tay vào trí tuệ nhân tạo (AI) (Minh họa: AI).

Trò chơi rủi ro: Ai sẽ là nạn nhân đầu tiên của "bong bóng" AI?

Ngày nay, không mấy ai còn nghi ngờ chuyện AI sẽ thay đổi thế giới. Câu hỏi lớn giờ đây không phải là “Liệu AI có tạo ra cách mạng như Internet từng làm?”, mà là: “Bạn sẵn sàng trả bao nhiêu hôm nay cho một tương lai có thể đến rất muộn hoặc không bao giờ đến?”

Đó mới là phép thử thực sự đối với giới đầu tư.

Lịch sử đã quá nhiều lần chứng minh, rằng bong bóng tài chính không nổ vì công nghệ là giả. Dot-com không sụp đổ vì Internet là lừa đảo. Ngược lại, những ý tưởng lớn thường là thật, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, con người quá nôn nóng, quá lạc quan và sẵn sàng trả một cái giá quá đắt để sở hữu tương lai trước cả khi nó kịp đến. Khi kỳ vọng vượt khỏi quỹ đạo hợp lý, khi dòng tiền rẻ bị siết lại, bong bóng sẽ vỡ, bất chấp công nghệ nền tảng có thật đến đâu.

Phố Wall đang đặt cược vào một tương lai hoàn hảo, nơi AI sẽ cứu rỗi năng suất, tạo ra hàng nghìn tỷ USD giá trị và thay đổi mọi ngành nghề. Và chính bởi vì sự lạc quan đó có vẻ “hợp lý”, nó lại càng trở nên nguy hiểm. Bởi không ai biết khi nào thực tế sẽ đá văng cánh cửa ảo tưởng.

Torsten không phải nhà tiên tri gào lên "tận thế đã đến". Ông chỉ đơn giản là một người gác đèn ở cuối đường ray, giơ cao ngọn đèn đỏ nhắc nhở: “Coi chừng băng ngầm”.

AI sẽ tiếp tục bứt phá, và những cái tên như Nvidia, Meta, Microsoft, Apple hay Google chắc chắn chưa rời khỏi đường đua. Nhưng nếu Phố Wall cứ mải miết lao theo giấc mộng AI mà không cần phanh, không cần dù, thì cú rơi sẽ đau hơn họ tưởng.

Năm 2000, người ta từng tin rằng Internet sẽ viết lại mọi định luật tài chính cho đến khi bong bóng vỡ. Hôm nay, AI cũng đang được thần thánh hóa theo cách tương tự. Và lịch sử vẫn đang kiên nhẫn chờ cơ hội để nhắc lại bài học cũ: Dù công nghệ có bay cao đến đâu, trọng lực của thực tế cuối cùng cũng kéo tất cả trở về mặt đất.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bong-bong-ai-tren-pho-wall-lap-lai-bi-kich-dot-com-hay-buoc-nhay-vi-dai-20250718000715144.htm


Chủ đề: NvidiaPhố Wall

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm