Bước đột phá trong quan hệ kinh tế Ấn Độ-Israel

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế18/02/2025

Israel và Ấn Độ hướng tới việc sớm ký một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) vốn được trông đợi trong khi Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy tầm nhìn về kết nối Ấn Độ, châu Âu và Mỹ thông qua Israel.


Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ-Israel ở New Delhi, tháng 2//2025. (Nguồn: Bộ Kinh tế Israel)
Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ-Israel ở New Delhi, tháng 2//2025. (Nguồn: Bộ Kinh tế Israel)

Ý tưởng lớn, cam kết mạnh

Dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp lớn đến New Delhi vào tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Nir Barkat cho biết chuyến thăm này đánh dấu "một bước đột phá trong quan hệ kinh tế giữa Israel và Ấn Độ".

Phái đoàn doanh nghiệp Israel "xuất ngoại" lớn nhất từ trước đến nay là "bằng chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc tăng cường quan hệ kinh tế, mở rộng xuất khẩu của Israel và mở cửa thị trường Ấn Độ cho các công nghệ đột phá của Israel", ông Barkat nhấn mạnh.

Sự hợp tác giữa hai nước “sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường đầu tư lẫn nhau và tạo ra việc làm mới ở cả hai bên”. Trong chuyến thăm Ấn Độ lần thứ ba trong hai năm qua, Bộ trưởng Nir Barkat lạc quan về việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương song không đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc ký kết một FTA, được kỳ vọng ​​sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Israel sang đất nước tỷ dân và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Tuy nhiên, theo India Today, triển vọng ký kết đang đến rất gần, có thể trong năm nay.

Ấn Độ và Israel bắt đầu các vòng đàm phán FTA từ năm 2010. Hai bên đặt ra mục tiêu là hoàn tất thỏa thuận vào giữa năm 2022, song đến nay, các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành.

Sự xích lại gần nhau giữa Israel và Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục thúc đẩy nỗ lực từ người tiền nhiệm Joe Biden trong việc xây dựng một hành lang đường sắt và vận chuyển nối Ấn Độ với Trung Đông, châu Âu và Mỹ - một dự án đầy tham vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp tác chính trị.

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 13/2, ông Trump tuyên bố rằng hai nhà lãnh đạo “đã nhất trí hợp tác để giúp xây dựng một trong những tuyến đường thương mại vĩ đại nhất trong lịch sử”. Tuyến đường này “chạy từ Ấn Độ đến Israel, qua Italy và tiếp tục đến Mỹ, kết nối các đối tác, đường bộ, đường sắt và cáp ngầm”.

Một quan chức chính phủ Israel chia sẻ với Times of Israel về “ý tưởng lớn” đó, khi “tạo ra hành lang kết nối từ Ấn Độ, thông qua Israel, đến châu Âu và sang tận Mỹ, theo tầm nhìn của ông Trump”.

Điều này lý giải vì sao Tel Aviv “sẽ ký một thỏa thuận thương mại mới” với New Delhi, hai nước “có sự xích lại gần nhau sâu sắc" và sự hiện diện của phái đoàn doanh nghiệp lớn của Israel tại đây.

Ấn Độ và Israel chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Năm 2017, Thủ tướng Narendra Modi trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Ấn Độ thăm Tel Aviv. Một năm sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng có chuyến thăm tới New Delhi.

100 công ty, 600 cuộc họp

Phái đoàn doanh nghiệp đến New Delhi vào tuần trước bao gồm hơn 100 công ty Israel, trong các lĩnh vực an ninh mạng, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, y tế kỹ thuật số, công nghệ nước, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn.

Các công ty tham gia đã tổ chức hơn 600 cuộc họp kết nối và giao lưu với hàng trăm nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ để thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng đầu tư lẫn nhau và tăng cường quan hệ song phương.

Trong chuyến thăm, đoàn đã gặp gỡ các tập đoàn kinh doanh lớn của Ấn Độ như tập đoàn TATA, Nasscom và GMR, đồng thời tham gia Tuần lễ năng lượng Ấn Độ.

"Địa chính trị khiến Israel rất gần với Mỹ, nhưng cũng rất gần với Ấn Độ. Israel nhỏ bé, nhưng chúng tôi rất sáng tạo, và các kỹ năng của các doanh nhân Israel cùng với sự đổi mới và khả năng mở rộng phạm vi kinh doanh lớn ở Ấn Độ tạo nên sự kết hợp kinh điển". (Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat)

Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal cho biết, “năng lực đổi mới và an ninh của Israel là phi thường, và công nghệ được chứng minh trong ‘Chiến dịch Beepers‘ (chiến dịch bí mật của Israel nhằm vào lực lượng Hezbollah vào tháng 9/2024) thực sự đặc biệt và truyền cảm hứng - chúng tôi cũng muốn có công nghệ này ở đây”.

Theo ông Piyush Goyal, “có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa Israel và Ấn Độ, điều này sẽ dẫn đến những thành tựu địa chính trị và kinh tế đáng kể trong khu vực”. Hai nước đều có thể hưởng lợi rất nhiều từ chuyên môn của nhau trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ nông nghiệp, tài chính và công nghệ mới nổi.

Tuyên bố tại một diễn đàn kinh doanh ở thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Goyal "bật mí" về kế hoạch dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp gồm hàng trăm giám đốc điều hành Ấn Độ đến Israel trong năm nay.

Phái đoàn sẽ tập trung vào việc mở rộng đầu tư vào các công ty Israel, thúc đẩy hợp tác công nghệ và các lĩnh vực quan trọng như công nghệ nước, an ninh mạng, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp tiên tiến.

Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat và Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal. (Nguồn: PTI)
Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat và Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal. (Nguồn: PTI)

Đánh giá “sự quan tâm to lớn mà các công ty Ấn Độ thể hiện trong việc hợp tác với ngành công nghiệp Israel làm nổi bật tiềm năng kinh tế to lớn", ông Avi Balshnikov, Chủ tịch Viện Xuất khẩu Israel, đơn vị tổ chức đoàn doanh nghiệp lần này khẳng định, “đây chỉ là khởi đầu và chúng tôi mong đợi sự tăng trưởng đáng kể trong thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm tới”.

Năm 2024, khối lượng thương mại song phương giữa Israel và Ấn Độ đạt 5 tỷ USD, trong đó 2,5 tỷ USD xuất khẩu của Israel, 1 tỷ USD thương mại kim cương và 1,5 tỷ USD nhập khẩu từ Ấn Độ.

Tất nhiên, quan hệ giữa Israel và Ấn Độ không chỉ giới hạn ở kim cương. Israel là nhà cung cấp phần cứng quân sự lớn thứ tư cho Ấn Độ. Hai bên cũng đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hệ thống nước, nông nghiệp, y tế và năng lượng mặt trời.

Cùng với quyết tâm tăng cường quan hệ kinh tế, các bước đi cụ thể như sự trao đổi đoàn doanh nghiệp “khủng” và đặc biệt là việc ký kết FTA trở thành hiện thực ​​sẽ mở ra "chân trời" cơ hội thương mại và đầu tư mới, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của cả hai đối tác chiến lược này.



Nguồn: https://baoquocte.vn/buoc-dot-pha-trong-quan-he-kinh-te-an-do-israel-304683.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available