Là một trong 5 địa phương đầu tiên trong nước được Chính phủ cho phép thí điểm xây dựng mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh, Quảng Ninh đã từng bước hoàn thiện mô hình, đến nay Trung tâm ổn định, phát huy vai trò là đầu mối tập trung, liên thông, đồng bộ trong giải quyết TTHC. Cùng với đó, tỉnh đã chủ động rà soát, sắp xếp lại ngành, lĩnh vực, tổ chức lại các quầy phục vụ theo hướng tổng hợp, thuận tiện, phù hợp với đặc điểm từng lĩnh vực, địa bàn. Thời gian giải quyết TTHC giảm từ 30-50%; tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%, trong đó 72% hồ sơ được xử lý trước thời hạn.
Theo bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, việc chuyển chức năng kiểm soát TTHC từ Văn phòng UBND tỉnh về Trung tâm không chỉ giúp nâng cao độ chính xác khi trình công bố thủ tục, mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận, xử lý và theo dõi quá trình thực hiện.
Không chỉ cải tiến quy trình, tỉnh còn đặc biệt chú trọng sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các cơ quan mới sau sáp nhập nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo không làm gián đoạn chức năng quản lý nhà nước; không ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp tiếp tục được triển khai theo đúng lộ trình. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện bài bản, khoa học, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ nhân dân.
Đáng chú ý, việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp huyện đang được Quảng Ninh thực hiện mạnh mẽ. Mô hình “Bình dân học vụ số” - giúp người dân dễ tiếp cận kiến thức chuyển đổi số, đang dần lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp. Các sở, ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng KHCN, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ nhà đầu tư. Qua đó, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được xử lý nhanh chóng, không để tình trạng trì trệ kéo dài, giúp môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch. Hết quý I/2025, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh đạt hơn 167 triệu USD, bằng 122,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy niềm tin và sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư quốc tế.
Bà Lê Ngọc Trâm, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long - nhà đầu tư hạ tầng KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), cho biết: Đến nay Amata đã thu hút được 21 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, với tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2025 con số này tiếp tục tăng.
Bên cạnh thu hút đầu tư, bài toán về nguồn lao động cũng được tỉnh chủ động giải quyết. Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Hiện Sở ghi nhận nhu cầu tuyển dụng hơn 16.000 lao động ở các trình độ khác nhau. Sở đang phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng, đồng thời tính đến phương án thu hút thêm lao động từ ngoài tỉnh.
Sự chủ động, quyết liệt trong cải cách hành chính, hiện đại hóa quản trị và cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi đang là nền tảng vững chắc để Quảng Ninh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, bền vững. Với cách làm bài bản, đồng bộ và linh hoạt, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và là hình mẫu về cải cách phát triển của khu vực phía Bắc.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/no-luc-cai-cach-hanh-thu-hut-dau-tu-3357844.html
Bình luận (0)