Động thái tăng thuế của Mỹ đòi hỏi quyết sách điều hành chính sách của Chính phủ cần nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn. (Ảnh: Vietnam+) |
Chiều 2/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố dự kiến áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia (mức thuế 49% đối với 97% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ).
Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ trong nước sẽ biến động nhiều hơn (như nhiều quốc gia khác đang gặp). Điều này đòi hỏi quyết sách điều hành chính sách của Chính phủ cần nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.
Ông Lực nhấn mạnh việc Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa thứ 8 của Mỹ (tổng kim ngạch hai chiều năm 2024 là 149,7 tỷ USD và chiếm 2,8% tổng giá trị thương mại hàng hóa của Mỹ). Việt Nam cũng đứng thứ 6 về xuất khẩu sang Mỹ (136,6 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ). Theo đó, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất siêu sang Mỹ (123,5 tỷ USD).
Với động thái trên, Chính phủ Mỹ thể hiện rõ quan điểm thương mại quốc tế phải cân bằng và công bằng hơn. Tuy nhiên, ông Lực chia sẻ còn có thể đàm phán đến ngày 9/4 nhưng Việt Nam cũng cần có kịch bản cho các mức thuế khác nhau.
Bên cạnh đó, ông Lực chỉ ra những tác động từ chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam. Cụ thể tại 5 nhóm ngành chính (chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024), là điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của sang Mỹ; Dệt may, da giầy chiếm 21,9%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,6%; Nông-thủy-hải sản chiếm 3,5%; Thép và nhôm chiếm 2,7%.
Hiện, nhóm ngành điện tử chịu tác động hạn chế do đặc thù quy mô sản xuất và đầu tư lớn, công nghệ cao, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, do đó mức thuế mới có thể tác động tiêu cực tới các quyết định đầu tư dự án sản xuất bán dẫn vào Việt Nam trong tương lai.
Nhóm ngành dệt may, da giầy sẽ chịu tác động mạnh do áp lực cạnh tranh quốc tế cao, khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất dễ dàng hơn và độ nhạy giá cả ở mức cao. Việc bị áp thuế quan cao hơn tại thị trường Mỹ sẽ khiến ngành sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi chi phí và hàng rào xuất khẩu tăng lên. Hơn nữa, đây là mặt hàng có thể sử dụng lâu dài, có độ nhạy giá cả cao khi giá cả tăng lên cộng thêm kinh tế khó khăn bất định.
Nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ sẽ chịu tác động trung bình do chuỗi cung ứng khá ổn định và nhu cầu tại Mỹ ở mức cao. Song, các doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý đây là mặt hàng lâu bền và có độ nhạy giá cả khá cao (như dệt may, da giầy), nên khi kinh tế khó khăn thì người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm vì vậy có thể giảm sức mua.
Đặc biệt là nhóm ngành nông-thủy-hải sản, năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông-thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt 4,16 tỷ USD, chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 có thể đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm trước. Với mức thuế 46%, hàng thủy sản Việt Nam vào Mỹ có thể phải chịu thêm số tiền là 0,92 tỷ USD trong năm 2025.
Thực tế cho thấy, hàng nông sản năm 2024 xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng trưởng tích cực. Các mặt hàng này chỉ chiếm tỷ trọng trong tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Mỹ là khoảng 1,6% năm 2024. Dự báo, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 dự báo có thể đạt 2,7-2,8 tỷ USD, tăng 15-20% so với năm trước. Khi đó, mức thuế ngành có thể phải chịu là gần 1,28 tỷ USD trong năm 2025.
Nhóm ngành thép và nhôm ghi nhận năm 2024 Việt Nam xuất khẩu 1,32 tỷ USD sắt thép các loại sang Mỹ (chiếm khoảng 4% tổng giá trị sản xuất của ngành). Bên cạnh đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ. Với quyết định áp thuế mới, nhôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chịu tác động tiêu cực khi thuế bị tăng lên ở mức trên.
Theo đó, ông Lực kiến nghị Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, tăng cường các kênh đối ngoại đồng thời cần kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm; tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết.
Bên cạnh đó, Việt Nam xem xét thực hiện một số biện pháp nhằm cân bằng thương mại hơn theo hướng trao đổi cởi mở với Mỹ về những biện pháp giúp cân bằng hơn cán cân thương mại; xem xét chủ động có thể giảm thuế đối ứng như nêu trên và tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Về lâu dài, Việt Nam có thể tính đến phương án đàm phán, ký kết FTA với Mỹ.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng những nhóm giải pháp đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, nhất là 5 lĩnh vực nêu trên nhằm hạn chế suy giảm và quan tâm tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự cường và kết nối giữa các khối doanh nghiệp (trong nước và FDI) và giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để đảm bảo tăng khả năng thích ứng, phát triển ổn định và bền vững. Hơn nữa, các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề cần chủ động làm việc với đối tác phía Mỹ và các nước liên quan, cung cấp thông tin, định hướng, tư vấn và tập hợp kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp. Từ đó, các bên nhanh chóng bàn thảo và có giải pháp phù hợp, kịp thời và hiệu quả đối với những khó khăn, vướng mắc đó...
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lực cho rằng cần chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu để nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường, từ đó có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, trong đó hướng tới các thị trường lớn, nhiều tiềm năng (như thị trường Halal với quy mô 2,2 tỷ người), thị trường châu Phi, Nam Mỹ... Các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm tận dụng nguyên liệu phế thải, giảm chi phí, giảm giá thành để có thể chia sẻ một phần chi phí thuế bị tăng lên cùng với đối tác./.
Theo Vietnam+ (TTXVN)
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/can-chuan-bi-cac-kich-ban-khac-nhau-truoc-ky-han-dam-phan-thue-voi-my-ngay-94-1038675/
Bình luận (0)