Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cảng biển đón cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng

Không còn là điểm bốc xếp hàng hóa đơn thuần, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) đang vươn lên thành trung tâm trung chuyển quốc tế giữa làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Báo Bà Rịa - Vũng TàuBáo Bà Rịa - Vũng Tàu12/05/2025

Cảng TCTT đón tuyến tàu mới của hãng tàu COSCO/OOCL vào tháng 3/2025.
Cảng TCTT đón tuyến tàu mới của hãng tàu COSCO/OOCL vào tháng 3/2025.

Dần khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt hơn 342 triệu tấn; trong đó hàng container đạt hơn 10 triệu TEU, tăng 6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng hơn 31% về sản lượng container. Đây không chỉ là một con số tăng trưởng ấn tượng mà còn cho thấy vị thế của cụm cảng CM-TV ngày càng nâng cao trong mạng lưới logistics khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) trong tháng 4/2025 ghi nhận sự kiện tiếp nhận thêm 2 tuyến dịch vụ kết nối với các cảng châu Á. Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh TCIT, điều này thể hiện rõ xu thế chuyển dịch từ các cảng trung chuyển truyền thống như Singapore, Hong Kong về các cảng ở CM-TV, nơi có vị trí chiến lược và thời gian hành trình ngắn hơn đến các KCN trọng điểm phía Nam.

Gemalink cũng đạt mức tăng trưởng sản lượng hơn 27% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước. Việc liên tiếp mở các tuyến dịch vụ đến châu Âu và châu Mỹ đã giúp Gemalink không chỉ tăng khối lượng hàng hóa mà còn nâng tầm vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tương tự, cảng SSIT cũng hoạt động hết công suất trong tháng 4, sau thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. “Lượng đặt chỗ (booking) từ các hãng tàu đi Mỹ tăng mạnh. Chúng tôi phải tổ chức làm hàng ban đêm để đáp ứng nhu cầu”, ông Phan Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc SSIT cho biết.

Tàu IRENES RAINBOW thuộc tuyến KTX2 do hãng tàu OOCL khai thác, vừa cập cảng TCIT. Đây là tuyến kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm châu Á như Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tàu IRENES RAINBOW thuộc tuyến KTX2 do hãng tàu OOCL khai thác, vừa cập cảng TCIT. Đây là tuyến kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm châu Á như Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc.

Cần chiến lược quốc gia để "vươn ra biển lớn"

Điểm cộng lớn của các cảng khu vực CM-TV đến từ hệ thống hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện. Việc đẩy nhanh tiến độ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ven biển ĐT994 cùng hàng loạt trục giao thông quan trọng đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ cảng đến các KCN trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều cảng trong cụm đã đầu tư mạnh vào công nghệ tự động hóa, phần mềm quản lý cảng hiện đại và hạ tầng số, giúp tăng hiệu quả khai thác. Tỷ lệ tàu cập cảng đúng giờ và năng suất bốc dỡ được các hãng tàu quốc tế đánh giá nằm trong nhóm cao nhất khu vực ASEAN.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam cho biết, chính sự đồng bộ giữa dịch vụ - hạ tầng - công nghệ đã tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt cho cụm cảng CM-TV trong cuộc đua thu hút hàng trung chuyển quốc tế, đặc biệt từ các quốc gia không giáp biển như Lào, Campuchia hay khu vực Đông Bắc Thái Lan.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảng biển cho rằng, để cụm cảng CM-TV thực sự trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế, cần một chiến lược tổng thể cấp quốc gia, kết nối cả quy hoạch hạ tầng, logistics, chính sách thu hút đầu tư và cải cách thủ tục.

Cụ thể, nên nghiên cứu thành lập một “Khu thương mại tự do” hoặc “Cảng trung chuyển quốc tế” theo mô hình của Singapore, nhằm tạo cơ chế đặc thù về thuế, hải quan, kiểm dịch để thu hút hàng quá cảnh từ khu vực.

Đồng thời, cần phát triển các trung tâm logistics quy mô lớn gắn với các cảng, đầu tư hệ thống kho lạnh, trung tâm kiểm định, chế biến, đóng gói để tăng giá trị dịch vụ.

Bức tranh cảng biển đầu năm 2025 tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều gam màu tươi sáng. Để duy trì nhịp độ tăng trưởng và vươn tới vai trò trung tâm trung chuyển quốc tế, cần có sự chỉ đạo từ một tầm nhìn quốc gia. Chỉ khi có một “nhạc trưởng”, cụm cảng CM-TV mới có thể hợp lực, vận hành đồng bộ giữa khai thác cảng, hạ tầng kết nối và dịch vụ logistics hậu cần. Khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ không chỉ đóng vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu, mà thực sự trở thành “trái tim” vận tải biển của khu vực, nơi hội tụ hàng hóa, tái phân phối quốc tế và tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

 Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 

Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202505/cang-bien-don-co-hoi-tu-chuyen-dich-chuoi-cung-ung-1042321/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm