Em Trần Bảo Long, học sinh lớp 7B - Trường THCS Lê Văn Thiêm huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) sinh ra trong gia đình thuộc diện hộ nghèo ở xã Bùi La Nhân, bản thân không may mắc bệnh về mắt, thị lực giảm, chỉ nhận diện mọi vật ở cự ly gần.
Đôi bàn tay lân la những trang sách, Long nhéo cặp mày, dí sát cuốn sách vào mặt để dò từng con chữ. Đọc đến đâu, Long dùng tay gấp nếp đánh dấu từng trang sách đọc dở. Vì mắt bị khiếm thị, Long đọc chậm, cậu dùng trí nhớ để ghi nhận những nội dung ở sách.
Long kể, từ ngày bắt đầu đi học, chàng trai đến trường bằng đôi chân của người mẹ Võ Thị Nhiêm (SN 1987), bởi thị lực kém, cậu không chủ động lái xe đến lớp. “Bố mẹ là người luôn bên cạnh, dìu dắt em từng bước, giúp em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trong nhà em có bố và ông nội cũng bị khiếm thị, có thể em bị ảnh hưởng, di truyền từ bố và ông. Mỗi lần học, em dí mắt sát vào sách để nhìn, mặt úp xuống sát tận vở để ghi chép từng câu chữ”, Bảo Long chia sẻ.
![]() |
Em Trần Bảo Long dù khiếm thị nhưng đam mê đọc sách. |
Con đường đến trường tìm con chữ với Bảo Long không dễ dàng, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cậu học trò vẫn không nỗ lực vươn lên. Nghị lực đó xuất phát từ những câu chuyện mẹ kể qua trang sách. Long dần yêu, thích và đam mê đọc sách. Long chia sẻ, mỗi cuốn sách Long đọc như mở ra một thế giới mới, nhịp cầu nối với thế giới rộng lớn, nơi mọi điều tưởng chừng không thể tiếp cận lại trở nên gần gũi hơn.
“Đặc biệt, em tìm thấy sự đồng cảm khi đọc được cuốn sách mang tên “Nhắm mắt nhìn sao”, được một người chú dành tặng. Đây là cuốn tự truyện của nhạc sỹ khiếm thị Hà Chương. Đọc xong cuốn sách đã giúp em tự tin, sống nghị lực và không ngừng hy vọng về tương lai”, Long chia sẻ.
![]() ![]() |
Mỗi lần đọc sách, Long phải đưa sách sát mặt mới rõ chữ, còn khi viết, em phải cúi thật sát vào trang giấy. |
Cũng sau khi đọc cuốn sách này, được sự động viên của giáo viên, Bảo Long đã làm clip giới thiệu cảm nhận về cuốn sách “Nhắm mắt nhìn sao” gửi đến cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022. Việc chăm chỉ đọc sách, truyền tải câu chuyện về nghị lực ấy đã giúp Bảo Long đạt 2 giải thưởng về văn hóa đọc do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Đó là giải khuyến khích cấp quốc gia Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 và giải chuyên đề xuất sắc cấp quốc gia Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 duy nhất dành cho người khiếm thị.
Bảo Long chia sẻ, đọc sách không chỉ giúp bản thân có thêm kiến thức, mà chính từ những trang sách đó đã mở ra một hy vọng, tương lai mới của bản thân. Long biết đam mê của mình, thế mạnh và tập trung theo đuổi những ước mơ cho bản thân.
Truyền cảm hứng đọc sách
Ông Trần Văn An (SN 1981, bố Bảo Long) cũng bị khiếm thị, nhưng thường ngày người bố vẫn làm nghề phụ hồ, kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Còn mẹ Long làm ruộng, ngày 4 chuyến chở Long đến trường tìm con chữ.
Trong góc học tập nhỏ của Bảo Long, có những tập sách xếp ngay ngắn, chật kệ. Nơi đó không chỉ là gian chứa sách mà là nơi cậu học trò tìm thấy niềm vui, sự khao khát học hỏi, là nguồn động lực để Long vượt qua những khó khăn. Thường ngày, sau mỗi giờ nghỉ giải lao giữa buổi, Long lại tranh thủ chạy đến thư viện để tìm, mượn những cuốn sách mang về nhà đọc. Cậu thích những tập thơ của tác giả Tố Hữu, tác phẩm văn học…. Long cũng chia sẻ đam mê học môn Toán và Vật lý, ước mơ trở thành thầy giáo dạy Toán, truyền tải kiến thức cho học trò.
![]() |
Long là tấm gương về nghị lực vượt khó. |
Mắt bị khiếm thị, đồng nghĩa với việc nhìn lên bảng cũng hạn chế. Thường ngày, để đảm bảo việc học ở lớp, Long được giáo viên và những người bạn cùng lớp hỗ trợ ghi chép. Sau mỗi lần học xong, Long lại mượn vở bạn về để cẩn thận ghi chép lại bài học.
Biết mình thua kém hơn bạn bè về khả năng quan sát, Long luôn cố gắng tập trung dùng đôi tai, trí nhớ để ghi lại những thông tin về môn học. “Dù bị khiếm thị nhưng em luôn cố gắng để tự tin, hoà nhập học cùng các bạn”, Long chia sẻ.
![]() |
Năm 2022, Long đạt giải chuyên đề xuất sắc cấp quốc gia Đại sứ Văn hóa đọc duy nhất dành cho người khiếm thị. |
Cô Cao Thị Thanh Thuỷ - Chủ nhiệm lớp 7B, Trường THCS Lê Văn Thiêm cho biết, mỗi lần đọc sách, Long phải đưa sách cách mặt từ 7cm mới rõ chữ, còn khi viết, em phải cúi thật sát vào trang giấy. Dù khá vất vả trong việc học nhưng Long luôn cố gắng phấn đấu và đạt học lực loại khá.
"Dù bị hạn chế tầm nhìn nhưng Long là cậu học sinh có nghị lực, ý thức học tốt, luôn chịu khó học hỏi và chăm chỉ đọc sách. Long cũng là người lan toả ý thức đọc sách đến với nhiều bạn học. Ngoài sự giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên thì Long còn được các bạn trong lớp hỗ trợ rất nhiều, vì em không thể nhìn được trên bảng, đi học chủ yếu nghe và nhờ bạn đọc viết. Riêng hoàn cảnh của Long thuộc diện hộ nghèo ở địa phương", cô Thuỷ chia sẻ.
Thầy Nguyễn Tiến Trung - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Thiêm (huyện Đức Thọ) cho biết, mỗi năm nhà trường đều tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khích học sinh tham gia đọc sách, tạo cơ hội để các em khám phá thế giới tri thức phong phú. Riêng về em Trần Bảo Long, học sinh lớp 7B, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân không may bị khiếm thị, nhưng em vẫn luôn cố gắng phấn đấu trong học tập, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vươn lên.
Nguồn: https://tienphong.vn/cau-hoc-tro-khiem-thi-lan-toa-niem-dam-me-doc-sach-post1730227.tpo
Bình luận (0)