Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cây mét - 'vàng xanh' của người dân miền Tây Nghệ An

Dọc theo những huyện miền Tây Nghệ An, những rừng mét xanh ngút ngàn trải dài bên chân đồi, ven bờ sông Lam, gắn bó mật thiết với đời sống của bà con nơi đây. Không chỉ là nguồn thu nhập ổn định, cây mét còn góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao xứ Nghệ.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An03/04/2025


van truong mư

Nhờ từ cây mét, người dân ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Văn Trường

"Người bạn" đồng hành của người dân

Cây mét thực chất là một loại tre rừng, thường được người dân Nghệ An gọi là mét. Ngay từ lúc nảy mầm, chúng đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Trước đây, đồng bào địa phương sử dụng măng mét như một nguồn thực phẩm cứu đói trong mùa giáp hạt. Ngày nay, măng mét không chỉ là món ăn truyền thống mà còn được chế biến thành đặc sản, đưa về xuôi tiêu thụ, góp phần tăng thêm thu nhập.

Đối với người miền núi, dù cuộc sống ngày càng sung túc, măng mét vẫn là món ăn quen thuộc, gắn liền với ẩm thực của người Thái. Măng mét có thể nướng than làm món nộm, ngâm muối thành măng chua dự trữ và kết hợp nhiều món ăn khác.

Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, khi cây mét già, người dân còn tận dụng để làm vật liệu xây dựng nhà sàn, lán trại, hàng rào, guồng nước, máng nước và trồng dọc bờ sông để chống sạt lở. Các đồ dùng sinh hoạt như rổ, rá, sọt cuôi, nong nia, dần sàng, bồ liếp… cũng được làm từ mét, thể hiện sự gắn bó mật thiết của loài cây này với đời sống người dân.

van truong mmert

Một đồi mét ở huyện Con Cuông đang được thu hoạch. Ảnh: Văn Trường

Cuộc sống đổi thay nhờ cây mét

Đầu tháng 4, chúng tôi đến xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, nơi cuộc sống người dân đã thay đổi đáng kể nhờ trồng cây mét. Dưới chân những quả đồi thấp, dọc theo các con suối, khe nước, là những khu rừng tre, mét xanh mướt trải dài. Cách đó không xa, những ngôi nhà kiên cố mọc lên, minh chứng cho sự khởi sắc của bà con từ cây trồng này.

Hiện tại, người dân đang vào mùa thu hoạch mét, những chuyến xe tải chất đầy mét tấp nập vận chuyển về xuôi. Giá mét năm nay ổn định và khá cao. Anh Vi Văn Tình, một hộ dân trồng mét tại xã Lạng Khê cho biết, mỗi cây mét có giá từ 25.000 - 35.000 đồng, tùy kích thước. Với 1,5 ha diện tích trồng mét, gia đình anh thu về khoảng 35-40 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí vẫn lãi khoảng 30 triệu đồng.

“Mét là cây trồng lưu gốc, chỉ cần trồng một lần có thể khai thác trong 40-50 năm mà không cần chăm sóc nhiều. Thương lái hiện thu mua tận nơi, giá cả lại tốt, nên bà con rất phấn khởi mở rộng diện tích”, anh Tình chia sẻ.

van truong m33456

Bà con xã Châu Khê, huyện Con Cuông vận chuyển mét ra Quốc lộ 7 chờ xe bốc hàng. Ảnh: Văn Trường

Trước đây, cây mét ở huyện Con Cuông chủ yếu được trồng nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu đan lát của người dân. Ngày nay, với chủ trương phát triển kinh tế rừng, bà con đã mở rộng diện tích trồng mét theo hướng quy hoạch vùng nguyên liệu. Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Con Cuông, địa phương hiện có hơn 3.300 ha diện tích trồng mét, tập trung nhiều tại các xã Châu Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Bình Chuẩn, Lạng Khê, Môn Sơn, Lục Dạ, Cam Lâm... Hàng năm mang lại nguồn thu từ 12-15 tỷ đồng.

Không chỉ tại Con Cuông, huyện Tương Dương cũng đang đẩy mạnh trồng mét, giúp người dân tăng thu nhập. Ông Vi Văn Vinh, một hộ dân ở bản Tam Liên, xã Tam Quang, nhận định rằng trồng mét ít tốn công sức, chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng gia đình tôi có gần 2 ha mét, với mật độ 200 bụi mét/ha, mỗi bụi có hàng chục cây, có thể thu về 60 triệu đồng/ha/năm.

van truong m3455

Anh Cao Anh Khoa, tại bản Cây Me, xã Tam Thái, huyện Tương Dương thu mua, chế biến mét. Ảnh: Văn Trường

Theo bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, hiện xã có 800 ha diện tích mét trồng dọc sông Lam, khe suối, với hơn 600 hộ dân tham gia. Thu nhập từ trồng mét đạt trung bình 50-60 triệu đồng/ha, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo.

Toàn huyện Tương Dương hiện có khoảng 1.600 ha mét, tập trung nhiều ở các xã Yên Thắng, Nhôn Mai, Thạch Giám, Tam Đình, Tam Thái, Tam Quang. UBND huyện đã triển khai Đề án phát triển vùng nguyên liệu tre, mét giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu mở rộng diện tích trồng lên hơn 32.000 ha. Trong đó, 21.200 ha sẽ được trồng đan xen, 9.260 ha trồng mới, đồng thời khai thác bền vững diện tích hiện có.

Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nhấn mạnh: “Huyện đang tập trung khai thác tiềm năng từ cây mét để tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình phát triển sinh kế, chúng tôi đã triển khai dự án "Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây mét theo chuỗi giá trị". Trong đó, hai xã Tam Hợp và Tam Quang được hỗ trợ 1,6 tỷ đồng, và các xã Tam Đình, Tam Thái, Thạch Giám nhận kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.”

van truong 3

Dây chuyền chế biến bột giấy và giấy làm hàng mã từ cây mét tại xã Tam Thái. Ảnh: Văn Trường

Để dự án trồng mét hiệu quả, cán bộ kiểm lâm và các đơn vị liên quan đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh cho bà con, giúp cây mét nâng cao năng suất và đảm bảo phát triển bền vững.

Thu mua và chế biến cây mét ngay tại chỗ

Hiện nay, đầu ra cho cây mét tại huyện Tương Dương khá ổn định. Ngoài các thương lái từ nhiều nơi đến thu mua, địa phương còn có các cơ sở chế biến ngay tại chỗ, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất mà không phải lo lắng về đầu ra. Một trong những cơ sở tiêu biểu là xưởng chế biến mét của anh Cao Anh Khoa, tại bản Cây Me, xã Tam Thái, huyện Tương Dương.

Anh Cao Anh Khoa, quê ở huyện Diễn Châu, đã gắn bó với vùng đất Tương Dương từ lâu và nhìn thấy tiềm năng phát triển của cây mét. Nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, anh đầu tư dây chuyền chế biến mét thành sản phẩm đũa ăn nhanh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Á.

Mỗi năm cơ sở của anh xuất ra thị trường khoảng 5.000 tấn đũa mét. Theo anh Khoa, sản phẩm này rất được ưa chuộng, đặc biệt tại Đài Loan và một số nước trong khu vực. Gần đây, nhu cầu tiêu thụ đũa mét trong nước cũng tăng mạnh, thậm chí nhiều thời điểm cơ sở của anh không sản xuất kịp để cung ứng.

van truong 2

Anh Cao Anh Khoa bên sản phẩm giấy hàng mã sản xuất từ mét chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Văn Trường

Nhằm tận dụng tối đa giá trị của cây mét, anh Khoa không chỉ sản xuất đũa mà còn tìm cách chế biến phụ phẩm để giảm lãng phí. Trước đây, mỗi 1 tấn mét chỉ sử dụng được 230-300 kg để làm đũa, phần còn lại bị bỏ phí. Từ năm 2021, cơ sở của anh đã đầu tư nâng cấp công nghệ để tận dụng phần dư thừa trong quá trình chế biến, sản xuất thêm phôi giấy, bột giấy – nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy giấy trong và ngoài nước. Hiện nay, mỗi năm cơ sở của anh cung ứng khoảng 9.000 - 12.000 tấn nguyên liệu giấy, với nguồn mét chủ yếu thu mua từ hai huyện Con Cuông và Tương Dương, đem lại giá trị thu mua 7-8 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài việc góp phần tiêu thụ lượng lớn cây mét cho bà con địa phương, cơ sở chế biến này còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại huyện Tương Dương và Con Cuông, giúp nâng cao đời sống cho nhiều hộ dân.

van truong 4

Người dân đóng mét thành từng bè trên sông Lam đưa đến tập kết tiêu thụ tại cơ sở chế biến mét của anh Cao Anh Khoa. Ảnh: Văn Trường

Từ việc trồng nhỏ lẻ, nay cây mét đã trở thành vùng nguyên liệu quan trọng, giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo và hướng đến cuộc sống khá giả hơn. Với sự quan tâm từ chính quyền và các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển, cây mét hứa hẹn sẽ tiếp tục là trụ cột kinh tế bền vững cho bà con nơi đây.


ADQuảng cáo


Nguồn: https://baonghean.vn/cay-met-vang-xanh-cua-nguoi-dan-mien-tay-nghe-an-10294337.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm