(QBĐT) - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Đồn Biên phòng Cha Lo), Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ đoạn biên giới tiếp giáp với tỉnh Khăm Muồn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, có chiều dài 28,567km, với 8 mốc quốc giới và 6 cọc dấu biên giới; đồng thời phụ trách xã Dân Hóa, gồm 11 bản, dân số hơn 4.000 người, đa số là đồng bào Chứt, Mày.
Xác định tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn ổn định, đời sống đồng bào sinh sống dọc đường biên ấm no hạnh phúc là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ biên giới bình yên, trong thời gian qua Đồn Biên phòng Cha Lo thường xuyên phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, hỗ trợ nhân dân sản xuất, từng bước phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, hoạt động giúp đồng bào Chứt ở bản K-Ai làm lúa nước đã được duy trì hiệu quả hơn 10 năm nay.
|
Khác với mọi năm, do những biến động thất thường của thời tiết, vụ lúa đông-xuân 2024-2025 ở bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) được triển khai sản xuất muộn hơn thường lệ. Sau Tết Nguyên đán, đồng bào mới bắt đầu xuống giống gieo sạ. Tuy nhiên, không vì thế mà khí thế lao động trên cánh đồng bớt phần sôi nổi.
Khi chúng tôi đến bản, thượng tá-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cha Lo Ngô Anh Tuấn đang xuống ruộng động viên đồng bào tranh thủ những ngày thời tiết nắng ráo, tích cực gieo hết diện tích. Anh cho biết, Đồn Biên phòng Cha Lo bắt đầu giúp đồng bào Chứt ở bản K- Ai làm lúa nước từ năm 2013.
Đến hôm nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo đã có hơn 10 năm đồng hành cùng đồng bào trên những cánh đồng dưới chân núi. Những ai đã từng tham gia khai hoang mở từng mét vuông ruộng cho đồng bào trồng lúa nước ngày ấy hẳn sẽ không quên những gian nan, vất vả khi đặt nhát cuốc đầu tiên xuống đất này. Đã hy vọng và thất vọng. Đã hào hứng nghĩ về những mùa vàng rồi có nguy cơ chán nản, bỏ cuộc. Nhưng với quyết tâm cao của bộ đội, không chỉ giúp đồng bào tự sản xuất được lương thực ngay trên quê hương mà còn làm thay đổi những nếp nghĩ, lối sống thụ động, ỷ lại, biếng nhác trong đồng bào, không chỉ làm cho đồng bào thấy rằng có sự chăm chỉ và kiên trì thì đất cằn cũng sây bông trĩu hạt, mà còn mang đến cho đồng bào nhận thức mới, biết làm chủ cuộc đời, biết sống bằng bàn tay và khối óc, dự án trồng lúa nước ở bản K-Ai ngày đó đã thành công ngoài mong đợi.
Với hàng ngàn ngày công lao động từ san lấp mở rộng mặt bằng đến xây dựng hệ thống tưới tiêu kiên cố, khoa học, hợp lý dài hàng ngàn mét đưa nước vào ruộng, từ 100 mét vuông ruộng thử nghiệm đầu tiên đã được mở rộng dần sau mỗi vụ mùa. Đến nay, cả bản có 5ha ruộng lúa bảo đảm cho canh tác mỗi năm hai vụ ăn chắc. Mặc dù trồng lúa trên vùng đồi núi, thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng không được thích hợp như vùng xuôi nhưng nhờ được chăm bón kỹ lưỡng nên năng suất, sản lượng lúa tăng dần qua từng năm, từ năng suất vụ đầu tiên 30 tạ/ha đến nay con số đó được tăng lên đến 45-50 tạ/ha, giúp đồng bào tự túc được một phần lương thực trong năm.
Vụ đông-xuân năm nay, đồng bào bản K-Ai quyết tâm gieo kín toàn bộ diện tích. Với sự giúp đỡ tích cực của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo, cánh đồng dưới chân núi ở bản K-Ai nhanh chóng được làm đất đúng quy trình, bảo đảm chất lượng. Đồng bào chỉ việc ngâm ủ giống và gieo khi ruộng đã được bộ đội xử lý mặt bằng, cung cấp phân bón và vào nước đầy đủ. Người lính biên phòng mang trọng trách bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia nhưng khi xuống đồng giúp dân, họ trở thành những kỹ sư nông nghiệp thực thụ.
|
Tôi đã gặp trên đồng những đồng bào Chứt hiền lành, ít nói mà chăm chỉ, cần cù. Bà Hồ Thị Chót sau khi gieo hoàn thành thửa ruộng của mình vẫn nấn ná chưa rời đi vì bộ đội vẫn còn giúp nhiều hộ khác chưa về.
Bà nói rằng, ngày trước đồng bào chẳng biết cây lúa nước là cây gì, đồng bào chỉ biết trồng lúa rẫy và vào rừng săn, bắt, hái lượm để kiếm sống. Từ khi được bộ đội về bản hướng dẫn cách trồng cây lúa nước thì đời sống đồng bào thay đổi rất nhiều. Làm ruộng có vất vả hơn chút ít nhưng nếu chăm chỉ, chịu khó sẽ có cuộc sống no đủ hơn. Lúa rẫy phó mặc rủi may còn đã trồng lúa nước thì mùa nào cũng được. Tôi hỏi, bà trồng được mấy sào? Bà nói, đi hỏi bộ đội chứ bà không biết. Bà chỉ biết, từ khi bà tham gia trồng lúa, trong nhà khi nào cũng có gạo ăn. Chỉ cần có vậy, là bộ đội gọi đi làm khi nào bà sẽ đi khi đó.
Cũng như bà Chót, chị Hồ Thị Thơm cũng đã theo Bộ đội Biên phòng trồng lúa mấy năm nay. Với mấy khoảnh ruộng phía sau nhà và mảnh vườn ven núi, mùa lúa trồng lúa, mùa rau trồng rau, Thơm thường xuyên có khoản thu nhập ổn định, chắt chiu, tằn tiện cũng đủ lương thực cho gia đình nhỏ 4 người.
Bà Hồ Thị Giót đang ngâm chân trong bùn. Vừa nhanh nhẹn phát quang bờ vùng bờ thửa cho thửa ruộng của mình bà vừa kể về hành trình làm quen với cây lúa. Rằng, bà chưa bao giờ biết lội ruộng, làm đất, bón phân, chưa bao giờ biết ngâm ủ, gieo vãi, chưa bao giờ cầm liềm, cầm hái. Ngày Bộ đội Biên phòng về bản làm ruộng, ai cũng ngại lội xuống bùn lầy, ai cũng ngại vãi phân trộn đất. Cả bản từ chối: “Khó lắm! Bộ đội bày ra thì bộ đội tự làm. Dân bản không làm!”. Dân bản không làm thì bộ đội làm! Vừa bảo vệ chủ quyền biên giới, bộ đội vừa đồng hành cùng cây lúa nước trên núi cao.
Cây lúa lên xanh, ngày qua ngày, đơm bông, kết hạt rồi chín vàng. Đồng bào xem bộ đội làm chứ đồng bào chưa làm. Thu hoạch vụ đầu, bộ đội chia đều cho cả bản. Mùi cơm mới đã thay bộ đội thuyết phục đồng bào. Hơn 10 năm nay, cây lúa mang đến cuộc sống no đủ cho gia đình bà Giót, bà Chót, chị Thơm và đồng bào bản K-Ai nên bây giờ không ai ngại lội ruộng nữa. Vì ruộng nuôi cây lúa. Cây lúa nuôi đồng bào. Nghe lời bộ đội thì cuộc sống ấm no.
Thượng tá-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cha Lo Ngô Anh Tuấn dẫn tôi vào thăm bản. Mùa gieo hạt, cả bản đều ra ruộng, chỉ còn ông già bà lão và lũ trẻ quanh quẩn bên những nếp nhà sàn đơn sơ và ấm áp. Chỉ dăm bữa nửa tháng nữa thôi, cánh đồng quanh bản sẽ lại mướt xanh màu lúa non. Bộ đội Biên phòng cùng đồng bào dân bản lao động sản xuất trên cánh đồng là một trong những hình ảnh báo bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Trương Thu Hiền
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/cha-lo-vao-vu-moi-2224546/
Bình luận (0)