Diện mạo đô thị Đà Lạt hôm nay. Ảnh: Trần Quang Anh |
• DU KHÁCH ĐẾN NGÀY CÀNG NHIỀU
Đưa tay phủi lớp bụi mỏng bám trên các quầy hàng trong một tiệm tạp hoá bán đồ và phụ kiện may mặc trên đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt đang được thi công mở rộng, bà Trần Tuyết Lan, 71 tuổi, người Phường 1, Đà Lạt bảo rằng: “Đường đang làm nên bụi, tôi đang phủ hàng lại bằng các tấm nhựa, khi ai vào mua mới mở ra xem”. Sinh năm 1954, bà Lan lúc 4 tuổi đã cùng gia đình từ Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) lên Đà Lạt, đến nay đã có 68 năm sinh sống tại thành phố hoa này. Nhà ở trên con dốc cuối đường Trương Công Định khá nổi tiếng, bà thân thuộc thành phố này ở từng góc phố, từng con đường khu vực trung tâm Đà Lạt. Ngày nhỏ, bà Lan học ở Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, rồi học trung học ở Trường nữ Bùi Thị Xuân (nay là Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân), năm 1975, khi đất nước thống nhất, bà đang học năm nhất ở Đại học Đà Lạt.
Ngày ấy, bà Lan 21 tuổi, đã hăng say tham gia các hoạt động thanh niên thành phố, là thành viên của Đội xung kích Đà Lạt đến các vùng kinh tế mới rừng núi ở Đức Trọng. 2 năm sau, bà trở về Đà Lạt, tham gia công tác thanh niên ở phường, trải qua rất nhiều việc như kế toán, rồi công tác ở Thành Đoàn Đà Lạt, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, sau đó lại quay về làm việc ở Phường 1 qua nhiều vị trí. Từ năm 2015 khi đã lớn tuổi, bà là Tổ trưởng Tổ dân phố 4, Phường 1 cho đến nay.
Bên cạnh làm việc cộng đồng, gia đình bà lâu nay có một cửa hàng nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Hằng ngày, bà cùng chồng ra mua bán ở cửa hàng này, khi có việc cộng đồng bà lại đi, để chồng trông coi cửa hàng. Ông bà có 2 con trai, con trai lớn đi học và làm việc ở Nhật; con trai thứ 2 làm việc trong ngành Du lịch Đà Lạt. Là người gắn bó với Đà Lạt, khi nhìn lại, bà Lan bảo với chúng tôi rằng bà đã chứng kiến một Đà Lạt trải qua giai đoạn khó khăn, rồi đến giai đoạn phát triển, đặc biệt là chừng 20 năm gần đây, phát triển rất nhanh. “Thành phố như thay đổi từng ngày, ngày càng đẹp hơn, cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn nhiều. Không chỉ nhà dân được sửa sang, xây to và đẹp hơn mà công sở, nhà hàng, khách sạn mọc lên, trường học đều được xây mới, đường sá ngày càng rộng rãi”, bà Lan nói.
Một điều làm bà vui, chính là lượng du khách đến Đà Lạt ngày càng đông. “Tôi ở khu vực trung tâm, không chỉ dịp Tết hay dịp hè mà nhiều năm nay nay, cứ đến cuối tuần là thấy rất đông du khách. Đà Lạt là thành phố du lịch thanh bình, đường phố sạch sẽ, thời tiết mát mẻ, hoa nở quanh năm, người dân hiền hoà, thanh lịch, mến khách, du khách đến tạo điều kiện có thêm công ăn việc làm cho người dân thành phố, đây là điều rất đáng mừng”, bà Lan bày tỏ.
• VEN ĐÔ PHÁT TRIỂN
Ông Trần Văn Phúc, 72 tuổi, người ở làng hoa Xuân Thành, xã Xuân Thọ, xã vùng ven của Đà Lạt đã bày tỏ sự vui mừng khi thấy cuộc sống của bà con vùng ven ngày càng được cải thiện và nâng lên. Ông Phúc cho biết, ba ông từ Hoà Vang, Đà Nẵng, theo con đường xe lửa răng cưa từ Phan Rang lên Đà Lạt rồi chọn định cư lập nghiệp ở vùng đất mang tên Xuân Thành, Xuân Thọ này từ năm 1938. Ông Phúc sinh ra tại làng Xuân Thành, sinh sống ở đây từ thuở nhỏ đến giờ nên thân thuộc với từng gia đình trong làng hoa này. Điều thú vị, theo ông Phúc là làng Xuân Thành này trước đây từng thuộc về Đơn Dương, rồi về huyện Lạc Dương trước khi TP Đà Lạt mở rộng ra đây. Nay Xuân Thành là 1 trong những làng hoa nổi tiếng của TP Đà Lạt.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Phúc tích cực tham gia các hoạt động thanh niên, từng là Chủ nhiệm tập đoàn sản xuất, Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Lộc ở đây, từng là Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ và giờ khi cao tuổi, ông vẫn là một trong những gương mặt nông dân tiêu biểu của làng hoa Xuân Thành. Gia đình ông có khoảng 1 ha đất canh tác hoa và rau, trong đó có 4 sào đã làm nhà kính, hiện 2 con trai cùng ông sản xuất. “Hồi trước, vùng ven đô còn khổ lắm, nhà ván, mái tôn, trồng rau, mọi thứ đều làm bằng tay, đường đi vào chỗ sản xuất mùa mưa lầy lội, làm được sản phẩm gánh đưa ra đến đường mệt đứt hơi. Khoảng năm 1990 mọi thứ dần thay đổi, nhưng chừng năm 2000 đến nay đã thay đổi rất nhanh. Giờ thì đường làng đã thành đường nhựa, điện, đường trường, trạm, mọi thứ có đủ. Ngay những con đường ra các khu sản xuất cũng được Nhà nước và Nhân dân cùng làm, nay đã bê tông hết rồi. Trong khu sản xuất thì nhà vòm, nhà kính công nghệ cao mọc lên, máy móc công cụ sản xuất có đủ. Dân trong làng mỗi năm không chỉ trồng vài vụ như trước mà nay có thể canh tác quanh năm, sản phẩm thì nhà buôn đến tận vườn thu mua và chở đi”, ông Phúc kể.
Trong làng hoa Xuân Thành này, theo ông Phúc, toàn làng có 360 hộ dân, trong đó có khoảng 40 hộ tạm trú, với chừng 1.700 nhân khẩu, công ăn việc làm hằng ngày không thiếu. Thôn Xuân Thành và cả xã Xuân Thọ nay không còn hộ nghèo, là xã nông thôn mới nhiều năm nay. “Ngày trước nuôi một đứa con trong nhà đi học đại học đã là rất khó, giờ con cái các nhà vườn đi học đại học rất nhiều, nhiều cháu ra trường có kiến thức nay về cùng gia đình đầu tư trồng hoa công nghệ cao, làm ăn rất tốt. Chừng khoảng 40% các nhà trong làng hoa nay đã mua ô tô”, ông Phúc tươi cười.
• PHÁT HUY THẾ MẠNH
Nhiều con số chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của một thành phố hoa năng động 50 năm sau ngày thống nhất đất nước. Như thông tin từ UBND TP Đà Lạt, trong năm 2024, giá trị sản xuất tính theo giá so sánh bình quân toàn thành phố ước đạt 6,6%/năm, trong đó ngành Nông - Lâm - Thủy sản tăng 4,6%/năm; ngành Công nghiệp - xây dựng tăng 5,3%/năm, ngành Thương mại - dịch vụ tăng 7,2%/năm.Trong cơ cấu kinh tế hiện nay, thương mại - dịch vụ vẫn tiếp tục chiếm cao nhất với 68,7%; kế đó là công nghiệp - xây dựng khoảng 19%; nông - lâm - thuỷ sản 12,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước do Đà Lạt quản lý trong năm 2024 là 1762,3 tỷ đồng (đạt 92,27% kế hoạch). Chỉ tính trong năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 27.007 tỷ đồng, bằng 108,3% so với kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Đà Lạt là 136,5 triệu USD, bằng 101,1% so với kế hoạch, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Số liệu trong các lĩnh vực xã hội cũng rất tích cực. Thành phố trong năm 2024 không phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95,1%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 75% (kế hoạch 73%), trong đó tỷ lệ trường công lập đạt trường chuẩn quốc gia đến 91%; trong năm 2024, thành phố có 5.061 lao động có việc làm mới với 80% lao động qua đào tạo; tỷ lệ tổ dân phố, thôn có hội trường sinh hoạt là 90%; 98% cơ quan đạt chuẩn văn hoá; 96% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; toàn bộ phường, xã đều có điểm sinh hoạt văn hóa (có hội trường kết hợp nhà văn hóa); tỷ lệ tổ dân phố, thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa 91%; cả 4/4 xã vùng ven đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, toàn bộ các phường, xã tại Đà Lạt đều đạt chuẩn quốc gia về y tế; toàn bộ dân cư đều sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng trên toàn địa bàn 50,9%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt 99,5%; rác thải y tế toàn bộ được xử lý; 90% rác thải nông nghiệp sau thu hoạch được xử lý; 95% bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom và xử lý.
Trong nông nghiệp, toàn thành phố hiện có khoảng 7.300 ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 180 ha so với năm trước, chiếm 68,8% trên tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Giá trị thu hoạch bình quân 1 ha đạt khoảng 530 triệu đồng/năm, tăng 30 triệu đồng so với năm trước. Một số cây trồng có giá trị cao, như cà phê công nghệ cao đạt 250 triệu đồng/ha/năm; chè cành chất lượng cao đạt khoảng 370 triệu đồng/ha/năm; rau cao cấp đạt 860 triệu đồng /ha/năm và hoa cắt cành đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/ha/năm.
Cho đến nay, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao luôn được Đà Lạt dành sự quan tâm đặc biệt. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn đang phát huy hiệu quả rất tốt, không chỉ ứng dụng công nghệ vào sản xuất mà còn quản lý chất lượng nông sản, góp phần nâng cao giá trị nông sản của TP Đà Lạt.
Riêng với du lịch, trong năm 2024 có khoảng 7,9 triệu lượt khách đến Đà Lạt, tăng 16% so với năm 2023. Những tháng đầu năm 2025, lượt khách du lịch đến Đà Lạt tiếp tục tăng, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế tăng 39%. “Có thể thấy lượng khách du lịch đến với Đà Lạt tăng trưởng đều qua từng năm. Thành phố những năm gần đây cơ sở vật chất hạ tầng ngành Du lịch ngày càng được nâng lên, phát triển thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút du khách. Trong thời gian tới, địa phương vẫn tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt, vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, đồng thời thành phố triển khai hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch và các quy định về văn hóa du lịch, phát huy bản sắc văn hoá người Đà Lạt “Hiền hoà - Thanh lịch - Mến khách” để không ngừng nâng cao uy tín và thương hiệu du lịch Đà Lạt”, bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/chao-mung-50-nam-ngay-giai-phong-lam-dong-341975-342025-suc-song-thanh-pho-hoa-3fd7af0/
Bình luận (0)