Chị Nghệ cười mộc mạc khi nói, đàn bò là của để dành

Đó là nhận xét của ông Đinh Viết Cường, Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc (A Lưới) khi nói về vợ chồng anh Tách, chị Nghệ ở bản Ra Loóc - A Sốc. Hành trình vươn lên của đôi vợ chồng miền sơn cước đậm đặc giọt mồ hôi mặn chát nhọc nhằn nhưng chính từ đó, quả ngọt của ấm no đã hình thành. Ông Cường nói rằng, họ chính là “ngọn lửa” lan tỏa tinh thần thi đua lao động sản xuất, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trong cái se lạnh của ban mai vùng cao, dáng chị Nghệ “lọt thỏm” sau đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ. “Bò này là của để dành. Khi nào thật cần thiết mới bán”, chị nói, mắt ánh đầy niềm tin.

Căn nhà của gia đình chị được tu sửa mấy năm trước nhờ khoản tiền bán 2 con bò. Ngày đó, mái nhà cũ không chống nổi cơn gió mùa. Anh chị gom góp, vay mượn thêm một ít, rồi bán thêm 2 con bò để sửa sang lại ngôi nhà kiên cố, vững chắc. Đàn bò giờ còn 5 con, là kết quả của hành trình dài cần mẫn, chăm chỉ.

Không chỉ nuôi bò, vợ chồng chị Nghệ còn canh tác 3 sào lúa, đủ gạo ăn qua mùa giáp hạt. 2ha keo tràm trồng tận vùng đồi xa, dù cây chậm lớn do đất cằn, nhưng vẫn là khoản tích lũy dài hơi. “Trồng xa, khai thác khó nên giá thấp hơn, nhưng mình có công, có sức, không bỏ đất hoang”, chị Nghệ tâm sự.

Mấy rẫy sắn của gia đình, có rẫy bán hơn chục triệu, có rẫy vài ba triệu, đó là thành quả của những tháng ngày đổ mồ hôi trên rẫy, phơi nắng, dầm mưa. Tiền kiếm được không nhiều, nhưng gom góp lại, cũng đủ sắm sửa, trang trải việc nhà.

Khi chị Nghệ tất tả việc ruộng rẫy, chăm sóc đàn bò, quán xuyến việc nhà, thì anh Tách lại băng rừng lội suối, lấy mật ong, hái măng rừng, vác keo tràm thuê để tăng thêm thu nhập. Mùa hè, khi ong rừng làm mật dưới những tán cây, anh khăn gói đi rừng. Mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 3 - 5 ngày, có chuyến đi cả tuần. “Có chuyến gặp may, thu được 30 - 40kg mật, kiếm được gần chục triệu đồng. Nhưng cũng có khi về tay không, coi như đi rèn sức”, chị Nghệ cười mộc mạc.

Sau mùa lấy mật ong là mùa hái măng rừng, hái nấm rừng… Mùa nào thức nấy, rừng cứ thế ban tặng sản vật cho ai chịu khó. Khi không đi rừng, anh Tách lại đi vác keo tràm thuê, làm mướn quanh bản. Giữa nếp sống chắt chiu ấy, từng con bò, hạt lúa, gốc keo, củ sắn… đã giúp gia đình anh Tách, chị Nghệ vượt khỏi đói nghèo, có của ăn của để.

Trưởng bản Ra loóc - A Sốc, ông Nguyễn Văn Đẽo nói rằng, nhiều năm qua, địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo như hỗ trợ vay vốn, cấp con giống, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp với địa hình, tập quán. Nhưng không phải ai cũng biết tận dụng và làm tốt như gia đình anh Tách, chị Nghệ.

Ở vùng núi cao, nơi cái nghèo từng là điều “mặc nhiên”, thì hành trình vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế của vợ chồng anh Tách như một điểm sáng. Chỉ cần quyết tâm hướng đến ấm no, chăm chỉ lao động, thì cái nghèo sẽ bị đẩy lùi, bằng chính đôi bàn tay cần mẫn và trái tim không cam chịu số phận.

Bài, ảnh: Hà Lê

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/chat-chiu-vuon-len-thoat-ngheo-153798.html