Cảnh bạc màu, xuống cấp ở di tích Lầu Ngũ Phụng (Kinh thành Huế) sau 4 năm mở cửa đón khách
Lầu Ngũ Phụng nằm trên Ngọ Môn là di tích quan trọng trong hệ thống Kinh Thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Sau nhiều năm đóng cửa để phục vụ trùng tu, năm 2021 di tích được mở cửa đón khách tham quan trở lại với hệ thống cột, cửa được sơn son thếp vàng, mái ngói lưu ly đẹp mắt. Trong hình là bức ảnh chụp di tích Lầu Ngũ Phụng chụp năm 2021 sau khi trùng tu. (Ảnh: X.Đ)
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News cuối tháng 5/2025 Lầu Ngũ Phụng có nhiều hạng mục xuống cấp sau 4 năm mở cửa đón khách. Đáng chú ý nhất là các hạng mục được sơn son thếp vàng bong tróc, bay màu.
Hình bên trái hình được chụp tháng 5/2021 và bên phải là hình chụp tháng 5/2025 cho thấy di tích Lầu Ngũ Phụng đã xuống cấp rất nhiều sau 4 năm mở cửa đón khách trở lại.
Hệ thống cột vốn được sơn son nay bay màu, bong tróc.
Hệ thống trần gỗ trên Lầu Ngũ Phụng xuống cấp, loang lổ, mốc.
Có thể thấy, Lầu Ngũ Phụng sau 4 năm có những thay đổi màu sắc một cách rõ rệt. Từ diện mạo tươi tắn, bóng loáng, công trình trở nên bạc màu, màu sắc nhạt nhòa.
Ngoài việc sơn son thếp vàng vàng bị bay màu thì một số hạng mục bằng gỗ trên Lầu Ngũ Phụng cũng có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp sau 4 năm.
Hoạ sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Khánh - người có nhiều năm nghiên cứu, tham gia trùng tu các di tích và lăng tẩm Huế của triều Nguyễn đánh giá rằng, bằng trực quan, có thể thấy công trình lầu Ngũ Phụng xuống cấp rất nhanh, chứng tỏ công tác trùng tu công trình này có vấn đề. Thông thường, các di tích sau khi được trùng tu có thể tồn tại hàng chục năm mới cần trùng tu lại do tác động của thời gian và thời tiết.
"Trùng tu mới vài năm mà xuống cấp nhanh như vậy, cá nhân tôi cho rằng khả năng rất cao là do quy trình, vật liệu trong công tác trùng tu không đảm bảo...”, hoạ sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Khách lo ngại.
Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, quá trình trùng tu di tích Lầu Ngũ Phụng, đơn vị cố gắng làm theo thiết kế. Tuy nhiên, việc công trình xuống cấp, bạc màu là do thời tiết khắc nghiệt của Huế ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khẳng định sẽ lập đoàn chuyên gia để khảo sát, đánh giá lại hiện trạng, từ đó đưa ra phương án phù hợp nhất nhằm tu bổ công trình di tích Lầu Ngũ Phụng.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Lầu Ngũ Phụng nằm ở phía trên cửa Ngọ Môn nằm ở mặt Nam của Hoàng thành, phía trước điện Thái Hòa. Dưới thời vua Gia Long nơi đây là đài Nam Khuyết, phía trên là điện Càn Nguyên với hai cửa Tả Đoan và Hữu Đoan. Năm 1833, vua Minh Mạng đổi làm 5 cửa; ở giữa là Ngọ Môn, hai cửa hai bên gọi là tả Giáp môn, hữu Giáp môn, hai cửa Khuyết môn tả, hữu, phía trên xây Lầu Ngũ Phụng.
Trải qua thời kỳ chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, công trình bị xuống cấp nghiêm trọng và trải qua nhiều đợt trùng tu, tu bổ lớn. Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tu bổ kiến trúc với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng là đơn vị thực hiện trùng tu cả hai giai đoạn. Đầu năm 2021 di tích Lầu Ngũ Phụng bắt đầu mở cửa đón khách trở lại sau nhiều năm trùng tu.
Nguồn: https://baolangson.vn/chi-hon-80-ty-dong-trung-tu-di-tich-lau-ngu-phung-xuong-cap-sau-4-nam-mo-cua-5048309.html
Bình luận (0)