Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chiến lược nào giúp sản phẩm của các HTX có chỗ đứng trên thị trường?

(Baohatinh.vn) - Đầu tư công nghệ vào sản xuất, nâng chất sản phẩm gắn với xúc tiến thương mại là hướng đi tất yếu để các hợp tác xã ở Hà Tĩnh gia tăng sản lượng tiêu thụ nội địa và tham gia xuất khẩu.

Báo Hà TĩnhBáo Hà Tĩnh28/07/2025

Hà Tĩnh hiện có hơn 900 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó hơn 40% đơn vị trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng – chế biến thủy hải sản, chế biến nông - lâm sản… Lâu nay, khu vực kinh tế tập thể vẫn hạn chế về nguồn lực, không ít HTX hoạt động dựa trên “kinh nghiệm”, số HTX đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng chưa nhiều. Đó là chưa nói đến những yếu kém trong chiến lược marketing nên nhiều sản phẩm vẫn quẩn quanh ở “lũy tre làng”, thậm chí có những HTX phải tạm ngừng sản xuất do không tìm được đầu ra.

untitled1.png
Nhà nước hỗ trợ đưa sản phẩm của HTX Hà Tĩnh lên sàn thương mại điện tử.

Năm 2018, HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà cũ) cho ra đời dòng sản phẩm nước mắm Ánh Hồng. Tín hiệu tích cực là HTX đã sang Thái Lan đàm phán và ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản Hà Tĩnh (trong đó có mặt hàng nước mắm truyền thống) với Hội Doanh nghiệp tỉnh Nọng Khai. Những tưởng, HTX sẽ "làm nên chuyện", đưa nước mắm Hà Tĩnh vươn xa, thế nhưng, hoạt động được một thời gian, đơn vị đã bộc lộ những hạn chế như: người đứng đầu cao tuổi nên kinh doanh theo "lối mòn", chưa đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, không chú trọng quảng bá sản phẩm, kém trong chăm sóc khách hàng... nên nước mắm Ánh Hồng dần mất khách. Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên hiện HTX phải ngừng hoạt động.

Từ sự đổ bể của HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương cho thấy, sản phẩm chất lượng thôi chưa đủ, mà để tồn tại lâu dài trên thị trường cần nhiều yếu tố cấu thành như: sự nâng cấp về công nghệ sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với xúc tiến thương mại...

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Nhà nước từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên cơ sở hỗ trợ kinh phí hoạt động, hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm..., không ít HTX ở Hà Tĩnh đã thay đổi cách nhìn nhận theo cơ chế thị trường.

Dựa trên nền tảng sẵn có về phương thức, kinh nghiệm sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương, có những HTX mạnh dạn “chớp thời cơ”, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để cho ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng. Cùng đó, chú trọng việc nhận diện thương hiệu để chiếm được niềm tin từ người tiêu dùng và tích cực quảng bá sản phẩm ra thị trường; chủ động kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp để đưa sản phẩm của HTX tiêu đi nhiều tỉnh, thành.

bqbht_br_z6847888935261-251406b7a4e7be8db4917218fde8b088.jpg
Thương hiệu nước mắm Phú Khương đã quen thuộc trên thị trường.

Gần 30 năm tiếp nối nghề muối nước mắm, song phải đến năm 2015, bà Lê Thị Khương (xã Phương Giai) mới chính thức sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp khi thành lập HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương. Khi Hà Tĩnh dồn sức xây dựng nông thôn mới, tiếp sức cho các mô hình sản xuất, bà Khương mạnh dạn vận động thành viên góp thêm vốn, đầu tư dây chuyền muối nước mắm năng lượng mặt trời gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nước mắm Phú Khương đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao rồi 4 sao cấp tỉnh, trở thành tấm “thẻ bài” để HTX nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng kênh phân phối.

Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương chia sẻ: "Nước mắm ngon, có thương hiệu thôi chưa đủ. Muốn nhiều người biết đến, nhiều năm qua, chúng tôi đã cùng Liên minh HTX Hà Tĩnh, các sở, ngành tham gia hội chợ từ Bắc vào Nam để “bán nước mắm”. Giờ đây, nước mắm Phú Khương đã quen thuộc với thị trường; từ đầu năm lại nay đã xuất ra thị trường hơn 125.000 lít, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Hiện tại, HTX đang tiếp tục xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao cấp tỉnh và hướng tới liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tham gia xuất khẩu”.

bqbht_br_img-5465.jpg
HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại.

Những ngày đầu thành lập, chưa bao giờ anh Lê Văn Duẩn – Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (xã Kỳ Anh) dám mơ đến một ngày những chiếc bánh đa vừng mộc mạc, mang đậm vị quê nhà lại vượt ra lãnh thổ Việt Nam. Với khát vọng nâng tầm đặc sản quê hương, người đứng đầu HTX đã đầu tư nghiêm túc cho chiến lược sản xuất, kinh doanh và kết quả bánh đa vừng Nguyên Lâm được xuất khẩu sang Nga, Nhật Bản.

Anh Lê Văn Duẩn – Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng đầu tư máy móc sản xuất hiện đại để thay dần lối sản xuất thủ công truyền thống. Có công nghệ “dẫn đường”, với quy trình khép kín, chúng tôi sản xuất đồng loạt, đồng nhất về kích cỡ, chất lượng sản phẩm. Năm 2025, HTX đặt mục tiêu tiêu thụ trên 5 triệu bánh đa vừng, trong đó 20% sản lượng xuất khẩu, doanh thu trên 8 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024)”.

Trên đây là 2 trong số các HTX điển hình ở Hà Tĩnh dám thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Thành công của các HTX này mở ra triển vọng để nhiều HTX vốn đang vận hành theo “lối mòn” mạnh dạn thích ứng, coi các yếu tố: công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, nhận diện thương hiệu và marketing là “chìa khóa” để thâm nhập sâu vào thị trường.

2-6952.jpg
Ngành chuyên môn hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các bước truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết: Hiện có 90 sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, chiếm tỷ lệ 28,7%/tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể đã được xuất khẩu. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Hà Tĩnh do các HTX sản xuất đã mở rộng thị trường, được quảng bá sâu rộng qua các sàn thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Sendo, Shopee… Những sản phẩm đã được công nhận OCOP có sức tăng trưởng hàng hóa từ 40 - 50% so với trước.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, để thâm nhập sâu vào thị trường nội địa và xuất khẩu, các HTX cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và tăng cường hợp tác, liên kết. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại cũng rất quan trọng.

Nguồn: https://baohatinh.vn/chien-luoc-nao-giup-san-pham-cua-cac-htx-co-cho-dung-tren-thi-truong-post292618.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm