Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Gia Long dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh. |
Tại tỉnh ta, cuộc họp được kết nối tới điểm cầu tỉnh và 124 điểm cầu các xã, phường. Đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành dự tại điểm cầu tỉnh.
Theo báo cáo, 9h00 sáng nay (20/7) tâm bão nằm trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc biển Đông, cách Quảng Ninh và Hải Phòng khoảng 670km về phía Đông, với sức gió cấp 11, giật cấp 13; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20 - 25km/h. Dự báo sáng 21/7 bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10 - 11, giật cấp 13 – 14 với tốc độ 15 – 20km/h; ngày 22/7 bão đổ bộ vào đất liền gây ảnh hưởng từ tỉnh Quảng Ninh đến phia Bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông, ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Trưa chiều ngày 19/7 do ảnh hưởng mây đối lưu, trên địa bàn tỉnh xảy ra dông, lốc kèm mưa cục bộ tại một số địa phương, lượng mưa lớn nhất từ 30 - 33mm khiến 7 nhà bị sạt lở, tốc mái; 2 hợp tác xã tại xã Tiên Yên bị sập mái, hỏng hoàn toàn hệ thống điện; hơn 2.5ha cây lâm nghiệp lâu năm, 4 cột điện bị gãy đổ, một nhà văn hoá bị hư hỏng.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu tỉnh và các xã, phường của tỉnh. |
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành chức năng và địa phương thông tin tình hình và dự báo những ảnh hưởng của cơn bão số 3 có thể gây ra như tình trạng thủy triều dâng cao, mưa lớn làm ngập úng cục bộ, lũ quét và sạt lở đất; gió giật làm hư hỏng cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao ảnh hưởng và thiệt hại tới tài sản và tính mạng của nhân dân. Đồng thời thông tin tình hình chuẩn bị, ứng phó với bão của các ngành chức năng và địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ sự mất mát với các gia đình có thân nhân bị nạn trong vụ lật thuyền tại Quảng Ninh do thời tiết cực đoan xảy ra chiều 19/7. Đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương hỗ trợ gia đình các nạn nhân bị nạn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơn bão có cấp độ mạnh, diễn biến nhanh, phức tạp có thể gây ảnh hưởng, nặng nề cho các địa phương. Vì vậy, các bộ, ngành và cơ quan truyền thông thường xuyên cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về tình hình cơn bão, dự báo ảnh hưởng theo từng thời điểm bão đổ bộ với những điều kiện hình thái thiên tai cụ thể cho các địa phương và nhân dân nắm bắt kịp thời diễn biến của bão để có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là thông báo cụ thể các xã, phương nằm trong vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng cao của bão.
Đồng chí Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần chủ động sẵn sàng các biện pháp, phương tiện, nhân lực ứng phó bão, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; phát huy tốt nhất phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai. Các địa phương duy trì trực 24/24h, kịp thời nắm bắt và đưa ra chỉ đạo ứng phó bão; phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ phụ trách từng khu vực trọng yếu, địa bàn xung yếu, tập trung vật tư thiết bị, huy động các lực lượng chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão gây ra; tuyệt đối không lơ là, chủ quan và có biện pháp sẵn sàng ứng phó với lũ ống, lũ quét trên các sông, suối vùng núi và ngập úng cục bộ các khu dân cư...; các tập đoàn viễn thông đảm bảo thông tin thông suốt khi bão đi vào đất liền.
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/thoi-su-chinh-tri/202507/chinh-phu-hop-truc-tuyen-voi-cac-dia-phuong-ung-pho-bao-so-3-981298f/
Bình luận (0)