Quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học
Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chương trình đào tạo trình độ đại học (gọi tắt là Thông tư số 04) thay thế cho các thông tư liên quan về kiểm định chương trình đào tạo đại học hiện hành có hiệu lực thi hành từ ngày 4/4.
Tại Thông tư số 04, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định những vấn đề cốt lõi như: tiêu chuẩn, mức độ đáp ứng yêu cầu tối thiểu cũng như cách đánh giá chung đối với tiêu chí, tiêu chuẩn và chương trình đào tạo, mở rộng hơn quyền của các tổ chức kiểm định trong công tác chuyên môn trong đánh giá và đưa ra các khuyến nghị cho từng cơ sở giáo dục đại học phù hợp để trong cải tiến chất lượng liên tục. Trong đó, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được quy định chi tiết hơn về các mức đạt, không đạt yêu cầu tiêu chí, đồng thời xây dựng hướng dẫn đánh giá chi tiết giúp cơ sở đào tạo biết được thực trạng để cải tiến chất lượng chương trình đào tạo...
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư mới hướng đến hội nhập quốc tế và khu vực về bảo đảm và kiểm định chất lượng, nhất là trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia của Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN và sửa đổi bổ sung khung trình độ quốc gia Việt Nam, thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học
Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học (gọi tắt là Thông tư số 05) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2025.
Thông tư số 05 quy định thời gian làm việc của giáo viên thực hiện theo năm học và được quy đổi thành tiết dạy, bao gồm số tiết dạy trong 1 năm học và số tiết dạy trung bình trong 1 tuần.
Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường. Trường hợp phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng ưu tiên phân công kiêm nhiệm đối với giáo viên dạy chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần và bảo đảm giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Thông tư số 05 đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định chế độ làm việc của giáo viên; Bổ sung quy định về định mức tiết dạy cho giáo viên dạy cấp THPT ở trường lớp, dành cho người khuyết tật là 15 tiết/tuần; Bổ sung quy định giảm 3 tiết/tuần đối với giáo viên kiêm nhiệm vị trí việc làm văn thư, công nghệ thông tin, thư viện, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; Bổ sung quy định về thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng;…
Bên cạnh đó, Thông tư số 05 điều chỉnh quy định về thời gian thực dạy của giáo viên; Điều chỉnh cách quy định định mức tiết dạy của giáo viên làm Tổng phụ trách đội; Điều chỉnh quy định về số nhiệm vụ tối đa giáo viên được kiêm nhiệm;...
Chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP (Nghị định 60) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 (Nghị định 116) quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026.
Nghị định số 60 được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116, như: Các địa phương cam kết đặt hàng nhưng không thực hiện, dẫn đến chậm chi trả kinh phí; quy định đấu thầu đào tạo giáo viên chưa có hướng dẫn cụ thể; một số địa phương khó khăn, không đủ kinh phí để hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đang theo học; việc đào tạo sinh viên sư phạm và việc tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường vào ngành giáo dục chưa đồng bộ; việc theo dõi bồi hoàn kinh phí chưa có hướng dẫn chi tiết...
Với quy định này, các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Nghị định số 60 cũng bổ sung làm rõ trách nhiệm các bên liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở đào tạo giáo viên, người học... trong việc thực hiện chính sách; đặc biệt là việc làm rõ trách nhiệm đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Đồng thời, Nghị định hướng dẫn rõ hơn về thủ tục nộp tiền bồi hoàn kinh phí đối với các trường hợp phải bồi hoàn theo quy định.
Nguồn: https://nhandan.vn/chinh-sach-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-42025-post870084.html
Bình luận (0)