Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Chính sách thuế mới gây ra tác động thế nào?
TS Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM, nhận định trước mức thuế 46% vừa được công bố, cần chấp nhận về thực trạng đã xảy ra và nghiên cứu những hành động thích ứng linh hoạt với chính sách này. Theo ông, cần đánh giá rõ nét tác động cụ thể của mức thuế đến nền kinh tế.
Ông Linh cho rằng Việt Nam đã lường trước được việc sẽ bị áp mức thuế mới, đồng thời có các kịch bản đối ứng. Điều này thể hiện ở những hoạt động ngoại giao và chính sách, hợp đồng kinh tế để cân bằng thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
"Con số 46% gây bất ngờ, cũng chưa thể lường trước được mức thuế lại cao đến thế. Trong tương lai gần, chính sách này sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam", ông nói.
Ô tô đỗ tại cảng biển (Ảnh: Phước Tuần).
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, mức thuế 46% hiện tại có thể chưa phải con số cuối cùng. Nhiều khả năng chính quyền ông Trump sẽ điều chỉnh xuống mức thấp hơn, nhưng vẫn dao động quanh 20%, thay vì đưa về 0% như trước đây.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhận định việc Mỹ áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử….
Theo ông, việc tăng thuế khiến giá hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn, kéo theo nguy cơ suy giảm đơn hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất và điện tử xuất khẩu sẽ nhiều khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất...
Dòng USD chảy vào Việt Nam có thể suy giảm, tạo áp lực lên tỷ giá (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển của SSI, nhận định thông tin chi tiết về thời điểm áp dụng thuế cơ bản 10% và thuế đối ứng vẫn chưa rõ ràng, nhưng dự kiến sẽ có thêm cập nhật trong một đến 2 tuần tới. Danh sách các mặt hàng chịu thuế cũng chưa được công bố cụ thể, song mức thuế này chỉ áp dụng với những sản phẩm bị coi là "đe dọa" an ninh kinh tế của Mỹ.
Dù thị trường không bất ngờ với danh sách các quốc gia bị đánh thuế, bởi Mỹ đã công bố báo cáo đánh giá thương mại từ trước. Nhưng mức thuế cao áp dụng cho Việt Nam, theo ông Hưng, vẫn gây ngỡ ngàng.
Ông Hưng nhận định tác động lên nền kinh tế có thể không nhỏ. Theo ước tính ban đầu, mức thuế này có thể khiến tăng trưởng GDP giảm, thậm chí kéo GDP xuống dưới 7%. Quan ngại lớn hơn là hiệu ứng lan tỏa, khi chính sách thuế mới có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, điểm sáng là phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đến từ nội địa, chiếm khoảng 80%, trong khi nguồn thu từ nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20%. Nếu Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách kích cầu trong nước, đầu tư công và thúc đẩy tăng trưởng nội địa, tác động lên thị trường chứng khoán có thể chỉ giới hạn ở khoảng 20% doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Hưng nhận định mức thuế 46% có thể là mức trần, tạo không gian đàm phán để Việt Nam thương lượng với Mỹ nhằm giảm thuế. Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực để điều chỉnh quan hệ thương mại song phương, như giảm thuế cho 14 mặt hàng, sửa đổi chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ và mở cửa hơn cho nông sản Mỹ...
Ông kỳ vọng rằng dù có tác động tiêu cực trong ngắn hạn, tình hình sẽ dần ổn định trong dài hạn, khi các cuộc đàm phán diễn ra và mức thuế có thể giảm về mức 10%.
Về tác động ngành nghề, ông Hưng đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh sang Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là ngành thủy sản - khi mức thuế cao gần như trở thành một dạng thuế chống bán phá giá.
Ngược lại, các doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ thị trường nội địa sẽ ít bị tác động hơn. Trong bối cảnh này, nếu Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh kích cầu và đầu tư công, động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm nay có thể đến từ trong nước.
Cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường
Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng dù Mỹ là thị trường quan trọng, Việt Nam vẫn có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP) để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ và đa dạng hóa khách hàng.
"Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược, không chỉ dừng lại ở gia công mà phải nâng cao chuỗi giá trị, đầu tư vào thương hiệu, công nghệ cao để gia tăng sức cạnh tranh", vị này nêu.
Một số lo ngại đặt ra là dòng vốn FDI có thể bị xáo trộn nếu các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại chi phí sản xuất tăng cao tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Huy, mức dịch chuyển FDI sẽ không quá mạnh, bởi Việt Nam vẫn có lợi thế về chi phí lao động thấp, vị trí địa lý thuận lợi và môi trường đầu tư hấp dẫn.
Thậm chí, các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, LG, Intel… có thể chọn cách tối ưu chuỗi cung ứng, thay vì rời bỏ Việt Nam, các doanh nghiệp FDI sẽ tái cấu trúc sản xuất, tối ưu chi phí và mở rộng thị trường ngoài Mỹ. Quan trọng hơn, nếu rời Việt Nam, họ cũng không thể quay lại Trung Quốc vì mức thuế tại đây còn cao hơn.
Tuy nhiên, theo ông, trong thách thức luôn có cơ hội, và đây là thời điểm để doanh nghiệp Việt tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dù bối cảnh hiện tại đặt ra nhiều thách thức, vẫn có những ngành có cơ hội bứt phá trong giai đoạn này. Ngành công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và sản xuất chip bán dẫn, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nếu Việt Nam tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới cũng sẽ kéo theo nhu cầu vận tải tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics và cảng biển hưởng lợi từ sự tái cơ cấu thương mại.
Bên cạnh đó, ngành nông sản chế biến và thủy sản có thể nâng cao giá trị sản phẩm nếu chuyển từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu, từ đó mở rộng thị trường ngoài Mỹ. Bất động sản khu công nghiệp cũng được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển trong dài hạn, bởi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các chuỗi cung ứng toàn cầu, dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể chững lại trong ngắn hạn.
Ngoài ra, ngành tài chính và ngân hàng cũng có nhiều cơ hội khi Việt Nam đẩy mạnh phát triển trung tâm tài chính khu vực. Nếu tận dụng tốt dòng vốn đầu tư và các hoạt động tài chính quốc tế, lĩnh vực này có thể trở thành động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai.
Theo ông Huy, Việt Nam không chỉ cần giải quyết bài toán trước mắt mà còn phải tận dụng tình thế để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là thời điểm để doanh nghiệp Việt bứt phá, vươn lên trên bản đồ thương mại toàn cầu, thay vì chỉ đóng vai trò là "công xưởng gia công" cho các tập đoàn quốc tế.
Bằng cách tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm và chủ động mở rộng thị trường, Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững hơn trong tương lai (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông Châu Đình Linh cho rằng cần tích cực theo đuổi câu chuyện đàm phán - thương lượng. Sắp tới, trong quá trình đàm phán có thể có sự điều chỉnh, trong đó cân nhắc tính toán lại thuế xuất khẩu vào Mỹ. "Khi giảm bớt thâm hụt thương mại thì mức thuế sẽ có tính tích cực hơn. Điều quan trọng là tái lập sự cân bằng thương mại giữa 2 quốc gia", vị này nhận định.
Tiếp theo là cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thực tế, Mỹ áp thuế cho nhiều quốc gia, không chỉ Việt Nam. Đây là cơ hội để thấy rằng thị trường các quốc gia khác cũng hấp dẫn không kém để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
"Đây là thời điểm để nhận thức sâu sắc hơn về nội lực kinh tế, đặt chuyển dịch trọng tâm sang khối kinh tế tư nhân, gia tăng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), hàm lượng công nghệ, chất xám, kỹ thuật trong sản phẩm… khích lệ người dân tiêu thụ hàng nội địa", ông Châu Đình Linh nhấn mạnh.
"Mình cần phải có chính sách chi tiết hơn, cụ thể hơn để khích lệ cho kinh tế tư nhân phát triển hơn. Trong bối cảnh sắp tới, kinh tế có thể khó khăn nên chính sách tài khóa và tiền tệ phải kết hợp linh hoạt để mang tính chất cân bằng, điều phối hài hòa để đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng GDP 8% cho năm nay", vị chuyên gia cho hay.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chinh-sach-thue-quan-moi-di-tim-co-hoi-trong-thach-thuc-20250403124247344.htm
Bình luận (0)