Thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, khai thác các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những phong tục, tập quán trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất và tín ngưỡng... của đồng bào không còn phù hợp với thời đại mà trở thành phong tục, tập quán hủ tục, lạc hậu, thậm chí một số hủ tục trở thành vật cản đối với sự phát triển, tiến bộ khiến cho đời sống của đồng bào các dân tộc chậm được cải thiện và phát triển.
Tại huyện Sìn Hồ - nơi địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đời sống còn nhiều thiếu thốn, thì thầy cúng, thầy mo vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, khi tín ngưỡng chuyển thành mê tín dị đoan, khi niềm tin sai lệch khiến người dân trì hoãn việc khám chữa bệnh, hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng.
Theo thống kê của Sở Y tế, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao như: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè đến cơ sở y tế khi có bệnh còn thấp, chỉ khoảng 58%. Trong đó, gần 1/3 số bệnh nhân cho biết từng đi “cúng thầy” trước khi đến trạm y tế hoặc bệnh viện. Các bệnh mạn tính như: tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch thường bị bỏ qua hoặc phát hiện muộn, gây biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Cúng 2 năm không khỏi, ông Chẻo Yêu Sơn mới đến bệnh viện chữa trị. Ảnh tư liệu
Câu chuyện xảy ra gần đây của ông Chẻo Yêu Sơn 59 tuổi (bản Phăng Sô Lin, xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ) cho đến nay vẫn được nhiều người kể lại như một bài học với mọi người dân trong xã. Năm 2021, ông Chẻo Yêu Sơn bị đau nhức chân trái. Nhưng thay vì đi khám bệnh, ông lại nghĩ bản thân ốm là do ma làm, rồi đi cúng đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, cho dù đã cúng cả năm trời nhưng bệnh tình của ông vẫn không thuyên giảm. Khi không thể ăn ngủ, người gầy rộc vì đau đớn, ông mới được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, ông được chẩn đoán “Huyết khối động mạch chi dưới” - một bệnh lý tắc nghẽn mạch máu vô cùng nguy hiểm. Bác sỹ tư vấn cần can thiệp sớm, nhưng ông vẫn không tin tưởng, tiếp tục xin về để làm lễ cúng con ma.
Hai năm sau, dù vẫn cúng đều đặn, mời cả thầy mo đến cúng nhưng bệnh tình của ông chuyển nặng, chân có dấu hiệu hoại tử. Lúc này ông lại được người nhà đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, ông đã gặp bác sỹ Tẩn A Pao, người con của vùng cao, luôn hết lòng vì bà con dân bản. Ông đã được bác sỹ Pao động viên, giải thích về bệnh tình của mình. Ông hiểu rằng bệnh của ông không chỉ cúng ma mà khỏi, còn phải điều trị dưới sự chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên, lúc này bệnh của ông đã nặng, qua hội chẩn với chuyên khoa tim mạch, bác sỹ chỉ định ông phải cắt cụt chi để cứu mạng. Lúc này, ông và gia đình mới thực sự bừng tỉnh và chấp nhận điều trị. Ca phẫu thuật thành công nhưng ông Chẻo Yêu Sơn đã bị cắt đi 1 chân của mình. Khi được bác sỹ Pao hỏi đi mổ tốn tiền hơn hay đi cúng tốn tiền hơn, ông Sơn ngượng ngùng, lúng túng trả lời “cúng tốn hơn”.
Ông Chẻo Yêu Sơn bảo rằng, dù đã phải mất đi chân nhưng ông vẫn còn được sống. Ông vô cùng ân hận chỉ vì tin vào tâm linh, tin vào việc có ma nên ông đã mất đi 1 chân, việc đi lại trở nên khó khăn hơn. Ông thường xuyên kể câu chuyện của mình để mong mọi người tránh không tin tưởng vào việc cúng bái chữa bệnh.
Câu chuyện của ông Chẻo Yêu Sơn chính là lời nhắc nhở: Sức khỏe là tài sản lớn nhất, việc cúng bái không thể thay thế được chẩn đoán của bác sỹ, việc cúng lễ không thể thay thế điều trị bệnh. Khi đã ốm thì phải đến bệnh viện để được bác sỹ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị, cần tuân thủ theo y lệnh để khỏi bệnh.
Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt ra mục tiêu rõ ràng về việc xóa bỏ tận gốc những hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc. Đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là sự thay đổi nhận thức từ chính người dân. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao dân trí, giúp người dân hiểu rõ sự khác biệt giữa tín ngưỡng chân chính và mê tín dị đoan, giữa phong tục tập quán tốt đẹp và hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội văn minh, khỏe mạnh và phát triển bền vững trên mảnh đất Lai Châu tươi đẹp. Hãy hành động ngay hôm nay, đừng đợi đến lúc không còn cơ hội!
Nguồn: https://baolaichau.vn/van-hoa/chong-me-tin-di-doan-dung-doi-den-luc-khong-con-co-hoi-952310
Bình luận (0)