Ông Phùng Thanh Hoàng (quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng cực đoan khiến tôi lo lắng, không biết các dấu hiệu nhận biết đột quỵ là gì và nếu gặp người bị sốc nhiệt thì phải xử lý như thế nào cho đúng cách”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phẩm (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Người dân rất cần được hướng dẫn cụ thể cách phòng tránh đột quỵ trong mùa nắng nóng, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền”.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do sốc nhiệt. Phần lớn bệnh nhân là người lao động ngoài trời, người cao tuổi có bệnh nền và cả người trẻ vận động cường độ cao dưới nắng.
“Điểm chung của các trường hợp này là đều rơi vào tình trạng nguy kịch nếu không được can thiệp kịp thời. Nắng nóng kéo dài làm cơ thể mất nước, rối loạn điện giải, khiến tim phải hoạt động quá sức để điều hòa thân nhiệt. Những người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy thận… đặc biệt dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bác sĩ Hiếu cho biết.
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ do nắng nóng bao gồm: đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, da nóng đỏ nhưng không đổ mồ hôi, thở gấp, tim đập nhanh, lú lẫn, nói không rõ, co giật, yếu liệt tay chân, ngã quỵ và thậm chí hôn mê.
Theo bác sĩ Hiếu, khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ do nắng nóng, cần nhanh chóng xử trí theo các bước: đưa nạn nhân đến nơi râm mát, thoáng gió, như phòng điều hòa hoặc dưới bóng cây; nới lỏng quần áo, làm mát cơ thể bằng khăn ướt, quạt mát, xịt nước toàn thân; có thể chườm đá ở các vị trí như nách, bẹn, cổ nơi có nhiều mạch máu lớn. Tuyệt đối không ngâm toàn thân vào nước lạnh; gọi cấp cứu 115 ngay lập tức.
Thời gian “vàng” trong 3060 phút đầu tiên có ý nghĩa quyết định đến khả năng cứu sống và hạn chế tổn thương các cơ quan quan trọng như não, tim, thận. Theo dõi hô hấp, tuần hoàn. Nếu người bệnh ngưng thở, ngưng tim, cần tiến hành hồi sức tim phổi nếu có kỹ năng. Đặc biệt lưu ý, không ép người bệnh uống nước khi đang lơ mơ hoặc mất ý thức, tránh nguy cơ sặc và tắc đường thở.
Những người cao tuổi (đặc biệt từ 65 tuổi trở lên), trẻ nhỏ, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn thần kinh là những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ trong mùa nắng nóng. Ngoài ra, người lao động ngoài trời, người tập thể dục cường độ cao dưới nắng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng.
Theo bác sĩ Hiếu, không ít người khi thấy người thân mệt do nắng đã tự ý cạo gió, đắp lá, xoa dầu hoặc chờ nghỉ ngơi cho qua, vô tình làm mất đi “thời gian vàng” để cấp cứu hiệu quả.
Một số trường hợp khác lại làm mát sai cách như dội nước đá lạnh, tắm nước lạnh có thể gây co mạch đột ngột, tụt huyết áp, khiến tình trạng trầm trọng hơn. Đặc biệt nguy hiểm là tự điều khiển xe máy chở người đang mê man đến bệnh viện, có thể gây tai biến nếu người bệnh đột ngột ngưng thở hoặc co giật trên đường đi.
Để phòng tránh đột quỵ trong mùa nắng nóng, bác sĩ khuyến cáo, tránh lao động ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, đặc biệt với người già, người có bệnh nền. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời, cần đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay sáng màu, đeo kính mát, khẩu trang.
Uống đủ nước mỗi ngày, kể cả khi không cảm thấy khát. Ưu tiên dùng nước lọc, nước điện giải, hạn chế rượu, bia, cà phê. Cải thiện môi trường làm việc thông thoáng, nghỉ giải lao giữa ca hợp lý. Hạn chế hoạt động thể lực nặng dưới trời nắng hoặc ngay sau khi vừa rời phòng lạnh. Tăng cường dinh dưỡng hợp lý, bổ sung trái cây, nước ép, oresol để nâng cao sức đề kháng.
Nguồn: https://baodanang.vn/chu-dong-phong-tranh-dot-quy-mua-nang-nong-3264711.html
Bình luận (0)