Mỗi năm, Thái Nguyên cung cấp cho thị trường khoảng trên dưới 230 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm. Từ thực tế này cho thấy, nhu cầu về giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cao. Bởi vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp để chủ động sản xuất, cung ứng giống vật nuôi cho các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh.
Hiện nay, cơ sở ấp trứng gà của gia đình ông Nguyễn Văn Đường, ở tổ dân phố 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) có 13 lò ấp tự động, cung cấp gà giống cho nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Ảnh: T.L |
Nâng cao chất lượng con giống
Hiện nay, toàn tỉnh có 95 nghìn con trâu, bò, trên 600 nghìn con lợn và hơn 17 triệu con gia cầm. Để duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi, tỉnh tập trung đưa những con giống mới, chất lượng cao vào sản xuất. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Hiện nay, đàn lợn ngoại, lợn lai có năng suất, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đã đạt 76% trong tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 68% trở lên; đàn gà lông màu chất lượng cao đạt 87%.
Hiện nay, tỷ lệ đàn gà lông màu chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đạt 87% trong tổng đàn. |
Từ chia sẻ của ông Vinh cho thấy, thời gian qua, Thái Nguyên rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng con giống, nhất là khâu “đầu vào”. Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Chất lượng con giống đóng vai trò quyết định đến việc phát triển chăn nuôi. Đây cũng là giải pháp quan trọng để ngành Chăn nuôi phát triển bền vững.
Do đó, để nâng cao chất lượng con giống cung cấp cho các trang trại chăn nuôi, gia trại… thì việc ứng dụng khoa học, cộng nghệ vào sản xuất con giống rất cần được quan tâm. Đơn cử như sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc; sử dụng tinh bò 3B phối giống với bò cái lai Zebu để tạo ra bò thịt… - ông Vũ Đức Hảo
Việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi đã hạn chế tối đa lây lan bệnh tật, khắc phục sự chênh lệch về tầm vóc, khối lượng. Cùng với đó, nguồn gốc con giống được kiểm soát, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20 đến 30%... Không dừng lại ở đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn được thực hiện để duy trì, phát triển bền vững đàn nuôi có nguồn gốc bản địa như gà đen của người dân tộc Mông, lợn mán…
Việc lai tạo giống bò địa phương với giống bò 3B đang được ngành chuyên môn và các huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. |
Giải pháp nâng cao chất lượng con giống còn được Thái Nguyên thực hiện thông qua làm tốt công tác quản lý chất lượng con giống, điều kiện sản xuất. Qua đó, giúp thị trường giống vật nuôi bảo đảm nguồn cung và chất lượng đầu vào…
Chủ động nguồn cung
Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng con giống, 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã căn cứ vào nhu cầu của người chăn nuôi để quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất các loại con giống có năng suất, chất lượng. Đặc biệt là duy trì lưu giữ đàn giống gốc (cụ kỵ, ông bà); nuôi giữ đàn lợn đực giống sản xuất tinh lợn (30/30 con), nuôi giữ đàn lợn nái sinh sản (250/250 con). Riêng năm 2024, đàn lợn giống đã đẻ được 533 đàn lợn, sản xuất trên 6.670 con lợn giống, vượt trên 2% kế hoạch, trong đó sản xuất được 1.500 con lợn hậu bị; 100.589 liều tinh lợn…
Với sản xuất giống gia cầm, tỉnh đã nuôi giữ 5.000 con gà sinh sản, 1.000 con vịt sinh sản. Năm 2024, sản xuất được trên 539 nghìn gà con giống, vượt 4,1% kế hoạch, trong đó gà hậu bị là 140,8 nghìn con. Đồng thời, sản xuất hơn 85 nghìn vịt con giống, vượt 5,8% kế hoạch, trong đó vịt hậu bị là 25.600 con...
Mô hình nuôi lợn sử dụng thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh được triển khai tại xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên). |
Nhằm chủ động nguồn cung ứng giống vật nuôi cho thị trường trong, ngoài tỉnh, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học trong phát triển nguồn giống như thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; bình tuyển, quản lý đàn lợn giống cấp bố mẹ, đàn bò cái đủ điều kiện để sản xuất giống thương phẩm phục vụ sản xuất. Hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định để tái đàn.
Ông Ngô Đức Việt, ở xóm Vải, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên): Gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi gà quy mô trang trại hơn 10 năm nay. Để chăn nuôi phát triển bền vững, tôi mong cơ quan thú y có những hướng dẫn cụ thể trong việc lựa chọn con giống, đảm bảo chất lượng và an toàn dịch bệnh ngay từ đầu vào.
Song song với đó, tỉnh đã đề nghị các công ty chăn nuôi gia công, các cơ sở sản xuất con giống (nhất là giống gia cầm) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất con giống cung cấp thị trường trong tỉnh đáp ứng nhu cầu con giống của bà con, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các địa phương tích cực tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chủ động từ con giống đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Về phía người dân cũng nên dành sự quan tâm đúng mức cho việc phát triển con giống. Theo đó, những hộ chủ động được con giống, cần chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi theo phương pháp sinh học, tiêm phòng vắc xin định kỳ…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202502/chu-dong-san-xuat-cung-ung-giong-vat-nuoi-cce1560/
Bình luận (0)