Chiều 10-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Tại dự án luật này, Chính phủ đề xuất phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được HĐND tỉnh thông qua và điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Thảo luận về luật này, đại biểu (ĐB) Trần Anh Tuấn (TPHCM), đề nghị bảo đảm tính ổn định, dài hơi của luật, nhất là trong bối cảnh sắp xếp các đơn vị hành chính hiện nay. Cũng theo ông, cần bổ sung bộ dữ liệu số, mở về quy hoạch đất đai, các vấn đề liên quan tới các dự án đầu tư lớn để cho nhà đầu tư, người dân có thể tra cứu trên một trang thông tin, vì hiện nay nhu cầu đó là rất lớn.
“Chúng ta cần phải công khai trang web hoặc những địa chỉ có dữ liệu mở để người dân, nhà đầu tư có thể tra cứu thông tin quy hoạch tại một vị trí, địa điểm nào đó rất cụ thể. Vậy mới mang tính minh bạch”, ĐB đề xuất.

Còn theo ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), việc quy định rõ các loại quy hoạch trong hệ thống là hợp lý. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế quốc hội (2022) chỉ ra rằng, hiện vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để kết nối giữa quy hoạch các ngành và các cấp, dẫn đến tình trạng “cát cứ dữ liệu" và thiếu liên thông. Do đó, cần bổ sung quy định về chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu giữa các loại quy hoạch, đồng thời quy định rõ quy trình rà soát danh mục quy hoạch ngành, trong đó bắt buộc lấy ý kiến các cơ quan chủ quản chuyên ngành.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, khi có chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính thì nảy sinh vấn đề các quy hoạch của các địa phương. Làm sao để hợp nhất 3 quy hoạch (tỉnh, huyện, xã) thành 1 khi không còn chính quyền địa phương cấp huyện… là một thách thức. ĐB Trần Hoàng Ngân quan tâm đến vấn đề phân cấp, phân quyền, khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch thì giao Chính phủ quy định xử lý nhằm giúp nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, dự thảo đã thể hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Về kế hoạch thực hiện quy hoạch, ĐB Thạch Phước Bình cho rằng, nhiều quy hoạch được phê duyệt nhưng không đi kèm kế hoạch thực hiện cụ thể, dẫn đến quy hoạch “treo”. Do đó, cần bổ sung quy định với mỗi quy hoạch được phê duyệt, phải đính kèm danh sách dự án ưu tiên theo phân kỳ, chỉ rõ nguồn vốn và yêu cầu kiểm toán sau 3 năm thực hiện.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Luật Quy hoạch, sau đó Chính phủ có nghị định, bộ có thông tư triển khai tới các địa phương, nhưng đến nay xuất hiện nhiều vấn đề ách tắc.
Hiện nay, chúng ta tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, trong cấp xã có phường, có đặc khu. Do đó, dự thảo luật mới phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương, tăng cường các yếu tố phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, lần này sửa đổi Luật Quy hoạch, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Do quy hoạch liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, việc bổ sung quy hoạch cần được xem xét tương quan với các luật khác (Luật Đất đai, Luật Đô thị và nông thôn, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Địa chất khoáng sản…).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đã là quy hoạch thì tính minh bạch và đồng bộ phải cao. “Công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến thực sự của nhân dân, đặc biệt là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp, thiết lập cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị và gợi ý, việc có cơ chế giám sát, Quốc hội, HĐND các địa phương, mặt trận, các đoàn thể, nhân dân là những chủ thể giám sát quy hoạch.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, lần này Luật Quy hoạch sẽ đổi mới mạnh mẽ trong việc phân cấp, phân quyền. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện. “Luật do chúng ta ban hành, nghị quyết cũng do chúng ta ban hành, nếu có vướng, có ách tắc chỗ nào, chúng ta phải là người đứng ra sửa”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-da-la-quy-hoach-thi-tinh-minh-bach-va-dong-bo-phai-cao-post794645.html
Bình luận (0)