Triển khai kịp thời, đúng quy định
Giai đoạn 2022-2025, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên (BQL KDTTN) Động Châu-khe Nước Trong là một trong những đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán được cấp trên phê duyệt, hàng năm, BQL KDTTN Động Châu-khe Nước Trong đã phối hợp, chỉ đạo, giám sát các nhà thầu triển khai thực hiện trồng rừng thay thế và chăm sóc rừng trồng bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; tiến hành nghiệm thu từng hạng mục theo tiến độ thực hiện và giải ngân thanh toán cho nhà thầu theo quy định.
|
Năm 2022, BQL KDTTN Động Châu-khe Nước Trong đã thực hiện trồng rừng thay thế tại khoảnh 4-tiểu khu 525 và khoảnh 2-tiểu khu 526 với diện tích 40ha, thực hiện trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng. Các loài cây được trồng gồm dổi ăn hạt và lim xanh; mật độ trồng 1.000 cây/ha. Năm 2024, đơn vị tiếp tục thực hiện trồng rừng thay thế tại khoảnh 2-tiểu khu 524, khoảnh 4-tiểu khu 525, khoảnh 2-tiểu khu 526, thuộc xã Kim Thủy (Lệ Thủy) với diện tích 30ha, thực hiện trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng. Các loài cây được trồng gồm dổi ăn hạt và lim xanh; mật độ trồng 816 cây/ha.
Năm 2025, đơn vị đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để trình thẩm định, phê duyệt việc trồng rừng thay thế tại khoảnh 49-tiểu khu 445, khoảnh 56 và 58-tiểu khu 451A, thuộc xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) với diện tích 29,67ha. Các loài cây dự kiến trồng chủ yếu là lim xanh; mật độ trồng 1.111 cây/ha, dự kiến thực hiện trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất.
Phó Giám đốc BQL KDTTN Động Châu-khe Nước Trong Trần Anh Tú cho biết: “Việc triển khai thực hiện trồng rừng thay thế đã giúp duy trì và điều tiết được nguồn nước, bảo đảm độ che phủ rừng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường, hệ sinh thái. Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay, người dân địa phương được tạo việc làm, cải thiện thu nhập thông qua hợp đồng khoán trồng rừng thay thế, chăm sóc và bảo vệ với đơn vị. Hiện, toàn bộ cây lâm nghiệp thực hiện trồng rừng thay thế của năm 2022, 2024 đều sinh trưởng và phát triển bình thường, tỷ lệ cây sống đạt trên 85%. Hiện trường thực hiện trồng rừng thay thế đúng đối tượng, địa danh và diện tích; các nội dung, chỉ tiêu kỹ thuật thực hiện trên hiện trường phù hợp hồ sơ thiết kế”.
Vẫn còn những vướng mắc...
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 4/2025, Quảng Bình có tổng số 161 DA (gồm: 1 DA thủy điện, 71 DA kinh doanh, 79 DA công cộng và 10 DA an ninh quốc phòng) chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác. Tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác là 1.618,121ha (bao gồm 182,625ha rừng tự nhiên và 1.435,496ha rừng trồng). Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.983,371ha. Kể từ năm 2022 đến nay, tỉnh không có DA tự tổ chức trồng rừng thay thế. Từ số tiền các chủ DA nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (gần 213 tỷ đồng), toàn tỉnh đã triển khai trồng rừng thay thế được 613,85ha; giao kế hoạch trồng 605ha và đang tiếp tục rà soát để giao kế hoạch trồng 764,521ha.
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, bổ sung quy định đối với kinh phí trồng rừng thay thế còn dư sau khi đã trồng rừng thay thế bảo đảm đủ diện tích theo quy định, như: Cho phép tỉnh sử dụng kinh phí còn dư này để thực hiện các công trình lâm sinh khác, gồm làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng... |
Đánh giá từ UBND tỉnh gần đây cho biết, công tác chỉ đạo trồng rừng thay thế từ khi Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT, ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) có hiệu lực thi hành, đã được tỉnh tích cực triển khai kịp thời, đúng quy định (cụ thể, diện tích giao kế hoạch TRTT đạt 1.218,85ha/1.983,372ha, bằng 61,5% so với diện tích phải trồng).
Hiện, tỉnh đang tiếp tục rà soát để giao kế hoạch trồng rừng thay thế bảo đảm trồng tối thiểu diện tích chuyển đổi. Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện việc trồng rừng thay thế ở tỉnh ta vẫn còn gặp phải một số tồn tại, hạn chế, như: Diện tích giao kế hoạch trồng rừng thay thế chưa theo kịp tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; công tác trồng rừng thay thế tại một số đơn vị được giao chủ đầu tư triển khai còn chậm, chưa bảo đảm theo kế hoạch giao nên một số công trình phải điều chỉnh tiến độ; đơn giá trồng rừng thay thế được thay đổi, điều chỉnh theo đơn giá ngày công, vật tư và các định mức kinh tế kỹ thuật theo từng thời kỳ..., dẫn đến khó khăn trong việc giao kế hoạch, phân bổ kinh phí và triển khai trồng rừng thay thế ; nguồn thu trồng rừng thay thế là nguồn thu không thường xuyên nên khó chủ động trong việc giao kế hoạch; quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất của tỉnh ngày càng thu hẹp, việc rà soát diện tích đất đủ điều kiện để trồng rừng thay thế mất nhiều thời gian...
Văn Minh
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202505/chu-trong-trong-rung-thay-the-2226464/
Bình luận (0)