Chùa Lôi Âm là ngôi chùa cổ nằm trên lưng núi, thuộc địa phận phường Đại Yên (TP Hạ Long). Ngôi chùa khá quen thuộc với người dân trên địa bàn và một số địa phương lân cận, thu hút đông người dân, du khách tìm về chiêm bái, nhất là vào mùa xuân.
Hoà vào dòng người du xuân vãng cảnh, lễ chùa vào chiều chủ nhật cuối tuần vừa qua, chúng tôi đến với chùa Lôi Âm. Thời tiết mặc dù có nắng nhưng không khí lạnh vẫn tương đối buốt. Vượt qua khu vực đông dân cư phía ngoài, chúng tôi nhanh chóng tới bến đò chở khách qua hồ Yên Lập để vào sát chân núi. Có khoảng chục con tàu luân phiên đón, trả khách ở hai đầu bến. Dù lượng khách khá đông nhưng chúng tôi không phải chờ lâu. Tàu rẽ nước chạy băng băng nên cung đường thuỷ trên hồ Yên Lập cũng chỉ tầm chục phút là tới bến.
Sang bờ bên kia, du khách bắt đầu đi bộ theo tuyến đường bê tông nhỏ nằm giữa hai bên đồi thông, keo và những loại cây ăn quả khác nhau. Con đường không quá dài, cả chặng leo núi vừa đi vừa thư giãn, chụp ảnh, ngắm cảnh chỉ mất tầm 1 giờ là lên tới chùa. Dù vậy, du khách cũng cần lựa chọn trang phục gọn gàng, sử dụng giày mềm êm chân để chặng leo được thuận lợi hơn.
Cung đường càng đi cảnh sắc càng đẹp hơn khi có những đoạn dốc uốn lượn bên đồi thông, những cây thông lớn cằn cỗi mọc lưa thưa tạo ra cảnh quan độc đáo. Cảnh sắc cũng có sự thay đổi khi có đoạn là những khoảng rừng thưa với nhiều loại cây, có đoạn thông mọc dày cây to, cây nhỏ san sát nhau. Dấu vết của cơn bão Yagi với sức gió khủng khiếp tràn qua đây vào tháng 9 năm 2024 vừa qua vẫn còn ở không ít thân cây to, nhỏ gãy gục dọc đường cũng khiến view đẹp của du khách bị giảm đi phần nào. Dưới chân những cây to là cả đồi dứa miên man chạy dài khiến du khách dễ liên tưởng tới công sức, quãng thời gian thật đáng nể mà người trồng cây phải mất bao năm để phủ xanh những quả đồi dứa như thế này.
Đặc biệt, đoạn cuối cùng dẫn lên chùa không còn đường bê tông nữa mà du khách phải vượt qua cung đường khá dốc giữa những tảng đá to tự nhiên và hệ thống cây rừng đan xen với nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, nếu như đoạn đầu là cung đường dốc dài thoai thoải khiến du khách tương đối oải thì ngược lại với đoạn dốc đứng này, việc leo bộ lại có cảm giác thoải mái hơn.
Chùa Lôi Âm hiện ra ngay trong tầm mắt du khách khi vượt qua đoạn dốc này, trên một diện tích lớn, bằng phẳng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là một trong những ngôi chùa cổ, được xây dựng vào thời Lê, hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hoá quý giá. Năm 1997, chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.
Dãi dầu qua mưa nắng thời gian hàng trăm năm, chùa đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Những kèo cột bằng gỗ, rồi những chân tảng bằng đá nằm rải rác quanh khuôn viên chùa cho thấy phần nào dấu vết trùng tu qua các giai đoạn ấy.
Trước kia, du khách vẫn kể với nhau về sáng kiến của nhà chùa khi dùng dây buộc 2 viên gạch vào với nhau, mỗi du khách lên chùa lại xách theo một dây như thế, năm này qua năm khác “tích tiểu thành đại” góp công cùng với nhà chùa trong việc trùng tu chùa. Đống gạch với những mối dây vẫn còn nhưng sau này đường sá được xây dựng, việc vận chuyển vật liệu thuận lợi hơn nên những năm gần đây du khách lên chùa không cần mang theo gạch nữa.
Chùa nhỏ, việc dâng hương, lễ bái cũng khá nhanh gọn. Có thời gian, du khách sẽ thăm thú, chiêm ngưỡng cảnh quan xung quanh chùa. Hai bên chùa có nhiều cây to, ước chừng niên đại tới hàng trăm năm, có những cây cổ thụ với gốc lớn tới 2 - 3 người ôm mới hết, tán xoè rộng cả một vùng.
Con đường dẫn sang cung Mẫu nằm cạnh chùa cũng có cảnh quan khá độc đáo với nhiều cây rừng tự nhiên đan xen những tảng đá gốc nằm lô nhô dọc lối đi. Và ngay phía trước chùa, ở lối đi dốc đứng dẫn lên chùa là bụi tre lớn với những thân tre to bằng cả bắp chân. Có cây tre chìa ra cạnh lối đi vừa đúng tầm tay, khúc tre ở giữa đã được vô số du khách vịn vào làm điểm tựa khi xuống núi, khiến cho nó trơn bóng khác hẳn những đốt tre khác.
Con đường đi xuống núi dễ hơn nhiều khi leo nên thời gian được rút ngắn hơn. Hướng đi xuống, tầm nhìn vượt qua những ngọn cây thấp thoáng cảnh sắc của hồ Yên Lập với những đảo nổi và màu nước ngọc lục bảo nên thơ. Sau Tết là thời điểm nhiều du khách hành hương lên chùa Lôi Âm nhất cũng là mùa “làm ăn” của bà con với dịch vụ chủ yếu là bán gà nướng. Với giá cả vừa phải, gà nướng thơm lừng thu hút nhiều thực khách trải nghiệm sau một chặng dài leo núi.
Nguồn
Bình luận (0)