Dự án khoa học và công nghệ “Xây dựng mô hình sản xuất nấm sò và nấm linh chi thương phẩm tại huyện Kỳ Anh” được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh xây dựng nhằm tạo việc làm, tạo ngành nghề mới, tăng thu nhập cho người lao động địa phương.
Mô hình sản xuất nấm sò, nấm linh chi tại xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) thành công ngoài mong đợi. Ảnh: Thanh Nga.
Trên cơ sở khảo sát hiện trạng ngành nghề, lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu, chủ đầu tư phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân; xây dựng nhà xưởng trên diện tích 300m2 để nuôi trồng 15.000 bịch nấm sò và 2.000 bịch nấm linh chi/mô hình tại 2 hộ dân ở xã Kỳ Phong và Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh).
Theo chị Bùi Thị Lệ, chủ nhiệm dự án, trước đây hộ ông Phan Huy Tuận (xã Kỳ Phong) và bà Bùi Thị Anh ở xã Kỳ Bắc đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất lúa, trồng cây ngắn ngày trên đất màu, thu nhập chỉ đủ trang trải sinh hoạt cơ bản trong gia đình. Sau khi được chọn tham gia dự án, các hộ đầu tư nhà xưởng, nuôi trồng nấm sò và nấm linh chi theo quy trình của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện hướng dẫn.
Mô hình sẽ là địa chỉ để bà con trong và ngoài huyện học tập kinh nghiệm và nhân rộng. Ảnh: Thanh Nga.
Sau hơn 1 năm “cầm tay chỉ việc”, các hộ dân đã làm chủ kỹ thuật từ đóng bịch phôi, cấy giống, điều chỉnh nhiệt độ, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Xét về hiệu quả, bình quân nấm sò cho sản lượng đạt từ 8 – 8,4 tấn nấm tươi/hộ, doanh thu khoảng 160 triệu đồng/hộ/vụ; nấm linh chi đạt sản lượng 65kg, doanh thu khoảng 60 triệu đồng/hộ/vụ.
Phấn khởi giới thiệu về lô nấm linh chi sắp thu hoạch, bà Bùi Thị Anh (xã Kỳ Bắc) cho biết: “Nấm sò giá bán không cao bằng nấm linh chi nhưng thu liên tục nên lợi nhuận bền vững. Với giá nấm sò bán sỉ bình quân 20.000 đồng/kg, tôi có lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ kéo dài 2 tháng. Nấm linh chi bán giá 900 – 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí lãi khoảng 33 – 38 triệu đồng/vụ kéo dài 3,5 tháng".
Lô nấm linh chi sản xuất tại hộ bà Bùi Thị Anh. Ảnh: Thanh Nga.
Với kết quả tích cực từ các mô hình thí điểm, việc nhân rộng sản xuất nấm tại Kỳ Anh hoàn toàn khả thi và có thể mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, sắp tới, ngành chuyên môn sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá hiệu quả dự án để tạo thành điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật giúp các hộ dân khác trên địa bàn nhân rộng mô hình.
Thời vụ sản xuất nấm sò kéo dài trong thời gian 2 tháng. Ảnh: Thanh Nga.
Quan trọng nhất, quy trình sản xuất sẽ hướng đến thân thiện với môi trường, toàn bộ các bịch nấm sau thu hoạch được tận dụng để xử lý làm phân bón hữu cơ cung cấp cho trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-nam-so-nam-linh-chi-hang-hoa-d743716.html
Bình luận (0)