Tổng thống Pháp vừa có quyết định thăng cấp Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Lê Kim Ngọc nhân kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14/7). Hành trình làm khoa học của GS Trần Thanh Vân được nhắc tới như một biểu tượng của sự kết nối không biên giới giữa khoa học và lòng yêu nước.

Xây dựng cầu nối khoa học toàn cầu
Sinh năm 1934 tại Đồng Hới, Quảng Bình, Trần Thanh Vân sang Pháp từ năm 17 tuổi. Sau khi theo học Đại học Sorbonne, ông bảo vệ luận án tiến sĩ về vật lý hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nơi ông sớm nổi bật với các nghiên cứu lý thuyết về cấu trúc hạt nhân và cơ học lượng tử. Tuy nhiên, cột mốc lớn nhất trong sự nghiệp khoa học của ông không chỉ đến từ những công trình nghiên cứu mà còn từ một ý tưởng có tầm ảnh hưởng xuyên biên giới: tổ chức diễn đàn khoa học quốc tế cho các nhà vật lý trên khắp thế giới.
Năm 1966, GS Trần Thanh Vân khởi xướng chuỗi hội nghị Rencontres de Moriond tại một vùng núi nhỏ ở dãy Alps nước Pháp. Ông mong muốn tạo ra một không gian không phân biệt tuổi tác hay đẳng cấp học thuật, nơi các nhà khoa học trẻ có thể đối thoại trực tiếp với những tên tuổi hàng đầu trong bầu không khí thân tình, cởi mở. Thành công vượt mong đợi của Moriond trở thành mô hình mẫu cho các hội nghị khoa học quốc tế sau này.
Từ đó, GS Vân tiếp tục mở rộng “Rencontres” với Rencontres de Blois (từ 1989) và đặc biệt là Rencontres du Vietnam từ năm 1993, dấu mốc cho thấy ông đã mang khoa học thế giới về gần hơn với quê hương. Những diễn đàn này không chỉ là nơi công bố các kết quả nghiên cứu quan trọng, mà còn trở thành chất keo kết nối cộng đồng khoa học toàn cầu. Từ một nhà vật lý hạt, ông đã trở thành người kiến tạo nền tảng giao lưu và hợp tác cho các thế hệ trí thức khoa học, vượt qua mọi biên giới chính trị hay văn hóa.
ICISE – Ươm mầm khoa học tại quê nhà
Mang trong mình tình yêu sâu sắc với đất nước, GS Trần Thanh Vân luôn đau đáu một khát vọng: đưa Việt Nam trở thành điểm hẹn của trí tuệ toàn cầu. Sau nhiều năm tổ chức chuỗi hội nghị khoa học quốc tế tại Pháp và các nước phát triển, ông quyết tâm mang mô hình này về Việt Nam. Ý tưởng ấy được cụ thể hóa thành một công trình đầy tâm huyết: Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Khởi công năm 2011 và khánh thành năm 2013, ICISE được xây dựng giữa thiên nhiên xanh mát, bên núi và biển, theo đúng triết lý khoa học gần gũi, nhân văn. Đây là nơi kết nối cộng đồng khoa học quốc tế một cách bài bản, với hơn 200 hội nghị được tổ chức trong hơn một thập kỷ qua, quy tụ gần 16.500 nhà khoa học đến từ 60 quốc gia, trong đó có gần 20 chủ nhân giải Nobel.
Không dừng lại ở đó, GS Trần Thanh Vân cùng phu nhân, GS Lê Kim Ngọc còn thúc đẩy dự án Explorascience: một bảo tàng khoa học kết hợp với khu quan sát thiên văn dành cho công chúng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Mỗi hội nghị tổ chức tại ICISE đều đi kèm các hoạt động truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam, từ các buổi diễn thuyết đến cơ hội đối thoại trực tiếp với các nhà khoa học hàng đầu thế giới.
ICISE không chỉ là một công trình vật chất, mà là biểu tượng của khát vọng trí thức Việt được kết nối, học hỏi và lan tỏa. Trong tâm thế của người đặt viên gạch đầu tiên, GS Vân không mưu cầu danh vọng cá nhân mà luôn hướng đến một Việt Nam hội nhập bằng tri thức, nơi khoa học được ươm mầm bằng niềm tin và lòng tận hiến.
“Khoa học và quê hương là lẽ sống của tôi!”
“Khoa học và quê hương là lẽ sống của tôi”, tình yêu ấy không chỉ là lời nói suông của GS Trần Thanh Vân, mà được chứng tỏ qua những hành động cụ thể. Từ năm 1953 du học tại Pháp, ông luôn tự nhủ mình phải dùng kiến thức để phục vụ đất nước. “Tôi yêu Việt Nam, yêu khoa học, đó là thứ tình yêu không thể giải thích”, ông chia sẻ.
GS Vân tin rằng khoa học là con đường giúp xã hội phát triển bền vững, dù không thể đo đếm bằng tiền. Ông từng nhấn mạnh: nghiên cứu khoa học không như đầu tư kinh doanh, nhưng “lợi ích của khoa học là rất lớn”. Vì thế, GS Vân liên tục kêu gọi Chính phủ tăng đầu tư dài hạn, tạo môi trường thuận lợi để giữ chân và thu hút nhân tài.
Tâm đắc với câu nói: “khoa học trẻ cần được độc lập và tự do bay nhảy”, ông mong các nhà hoạch định chính sách “hãy để họ tự do nghiên cứu, đừng trói buộc bởi tuổi tác hay cấp bậc”. Theo ông, nhiều tài năng trẻ đã rời bỏ để tìm cơ hội ở nơi khác, và điều này là minh chứng rõ cho thiếu vắng cơ chế ưu tiên và hỗ trợ chất lượng tại Việt Nam.
Trong nhiều năm, ông cùng phu nhân là GS Lê Kim Ngọc đã dành hết sức lực để xây dựng ICISE, Hội “Gặp gỡ Việt Nam” và các học bổng Vallet. Ông luôn nhấn mạnh vai trò của tình cảm: giữa nhà khoa học với đất nước, giữa thế hệ đi trước và giới trẻ.
Những chia sẻ của ông không chỉ là lý thuyết, mà là cách sống: từ việc cùng vợ bán thiệp Giáng sinh gây quỹ cho trẻ em Việt tại Pháp, đến việc tự mình đi bay nhiều chuyến từ Pháp về Bình Định để chuẩn bị hội nghị, tất cả đều để hiện thực hóa khát vọng kết nối tri thức Việt với thế giới.
“Còn sức lực, tôi còn đóng góp cho quê hương”, đó là một hành trình một đời của nhà khoa học luôn đau đáu vì Tổ quốc.
Huân chương Bắc đẩu Bội tinh ra đời từ năm 1802, gồm 5 hạng. Đây là phần thưởng cao quý nhất của nhà nước Pháp, trao cho những người có đóng góp trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Năm 2000, ông từng được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng Hiệp sĩ. Năm 2012, ông vinh dự nhận Huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ, một trong những giải thưởng uy tín nhất trong giới khoa học.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/chuyen-it-biet-ve-gs-viet-duoc-phap-trao-bac-dau-boi-tinh-post1554726.html
Bình luận (0)