"Có cơ chế miễn trừ trách nhiệm, coi rủi ro nghiên cứu khoa học là học phí"

(Dân trí) - Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đây là yêu cầu khách quan, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Báo Dân tríBáo Dân trí15/02/2025

Sáng 15/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đây là yêu cầu khách quan.

Theo Thủ tướng, cùng với Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị, việc Quốc hội có nghị quyết này để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay là rất cần thiết, cấp bách để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ sáng 15/2 (Ảnh: Phạm Thắng).

Mặc dù các cơ chế đưa ra chưa bao trùm, toàn diện được hết các vấn đề, tuy nhiên Thủ tướng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến để sửa đổi toàn diện các luật liên quan, bổ sung nhiều nội dung cụ thể để tạo sự đổi mới toàn diện.

Các luật này gồm Luật Ngân sách, Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học, công nghệ và một số luật khác có liên quan. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo sửa và chậm nhất là trong năm nay, một số luật có thể trình tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 5.

Theo Thủ tướng, việc nghiên cứu thêm các cơ chế đặc biệt, tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số rất cần thiết.

Từ thực tiễn hạ tầng còn yếu, cần huy động nguồn lực lớn, nên cần có nguồn lực hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, xã hội và người dân để phát triển hạ tầng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho hay cần cơ chế đặc biệt cho quản lý, gồm các cơ chế như lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư và sử dụng công.

Ví dụ, Nhà nước đầu tư công cho hạ tầng khoa học công nghệ nhưng giao cho tư nhân quản lý; hoặc lãnh đạo công là thiết kế chính sách, pháp luật, công cụ giám sát kiểm tra nhưng quản trị sẽ giao cho doanh nghiệp, Thủ tướng nêu ví dụ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng cần có cơ chế đặc biệt cho nhà khoa học, công trình khoa học thương mại hóa, gồm các thủ tục, phân cấp phân quyền tới các chủ thể liên quan, xóa cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính, quản lý hiệu quả tổng thể.

Đặc biệt, vấn đề miễn trừ trách nhiệm với người thực hiện được Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề khó và là khâu yếu.

"Nếu không có cơ chế bảo vệ thì người thực hiện lại sợ trách nhiệm, đẩy chỗ này chuyển chỗ khác, không muốn làm vì không được bảo vệ", ông Chính nêu thực tế.

Vì vậy, tới đây cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho cả người thực hiện và người thiết kế chính sách, theo Thủ tướng.

Về cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực, ông Chính cho hay sẽ có cơ chế để thu hút người làm ngoài khu vực Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nguồn nhân lực nước ngoài. Các chính sách sẽ gồm thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa và hợp đồng lao động.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thiết kế chính sách cần lưu ý không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có công cụ đặc biệt để quản lý, công khai minh bạch.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần chấp nhận rủi ro, có độ trễ trong nghiên cứu khoa học; bởi có những đột phá có thể thành công nhưng cũng có những thất bại phải chấp nhận trả giá.

Cần xem đó là học phí, đầu tư đào tạo cho nguồn lực để có chính sách phù hợp; cần loại trừ động cơ cá nhân, không vụ lợi mà phải vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung của đất nước, theo Thủ tướng.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/co-co-che-mien-tru-trach-nhiem-coi-rui-ro-nghien-cuu-khoa-hoc-la-hoc-phi-20250215132849788.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available