GPA 4.0 là mục tiêu đã đặt
Tốt nghiệp ngành điều dưỡng tại Đại học VinUni và văn bằng hai ngành kinh tế đối ngoại tại Trường Đại học Ngoại thương, Nguyễn Đỗ Thu Phương (24 tuổi, Lâm Đồng) tự nộp hồ sơ ứng tuyển vào chương trình thạc sĩ ngành global health delivery (cung cấp y tế toàn cầu) tại Trường Y Harvard (Harvard Medical School).
Không có kế hoạch từ sớm, cô chỉ bắt đầu chuẩn bị hồ sơ vào khoảng cuối năm thứ ba đại học. Gấp rút tìm hiểu, bổ sung các giấy tờ, viết bài luận trong những tuần cuối, Phương bước vào Trường Y Harvard với một câu chuyện rất riêng.
Điều tuyệt vời đã đến khi cô trúng tuyển vào ngôi trường trực thuộc Đại học Harvard danh tiếng, đây là trường y khoa lâu đời thứ ba tại Mỹ, được thành lập vào năm 1782.
Đến đây, Phương trở thành người Việt Nam đầu tiên và là sinh viên trẻ nhất chương trình thạc sĩ cung cấp y tế toàn cầu.
Sau hai kỳ học, cô gái Việt Nam đạt điểm trung bình tuyệt đối 4.0/4.0. Đây là một thành tích không hề dễ dàng, khi môi trường học đòi hỏi tư duy phản biện, phân tích sâu và tính học thuật cao.
Phương không dùng mẹo học hay chiến lược đặc biệt. Cô nói mình học như bao sinh viên khác: đi học đầy đủ, làm bài tập kỹ, bám sát yêu cầu đề bài. Khác biệt duy nhất là cô học rất tập trung vào mục tiêu.
“Mình xác định từ đầu là muốn đạt điểm 4.0. Đã là mục tiêu thì mình sẽ cố gắng để đạt được nó”, Phương chia sẻ.
Tuy đã xác định mục tiêu, song ở giai đoạn thi giữa kỳ, cuối kỳ vẫn rất căng thẳng, Phương phải nỗ lực “học ngày cày đêm”. Phương kể có đợt học nhiều tới mức ngày nào cũng ở thư viện, học trên lớp xong lại ra thư viện học tiếp tới khuya, rồi về nhà lại ngồi vào bàn làm bài. Có hôm học xuyên đêm nhưng cô cũng chỉ dám cho phép mình làm vậy trong mùa thi.

Nữ học viên cho biết trong thời gian chờ điểm khoảng 1 tháng, cô lo lắng không biết bài viết có đúng trọng tâm không, thầy cô có hài lòng không và khi biết được điểm tuyệt đối, cô thực sự hạnh phúc.
Dù đạt thành tích xuất sắc, Phương không nghĩ điểm số là tất cả, cô cho rằng con số này nên được nhìn như một nền tảng, chứ không phải là thước đo để so sánh giữa người học.
Theo Phương, 3.8, 3.9 hay 4.0 thật ra không khác nhau quá nhiều, mỗi người học khác môn, khác thầy, khác điều kiện. Nhưng với cô, 4.0 là cách để khẳng định nỗ lực cá nhân, là một bước đệm để làm điều lớn hơn.
Lấy cảm hứng từ những trẻ em H’Mông
Thu Phương kể lại, cô lớn lên ở thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), học cấp ba tại Trường THPT chuyên Bảo Lộc, sau đó vào đại học với cùng một lúc hai ngành. Đó cũng là khoảng thời gian cô bắt đầu thấy mình bị cuốn vào một guồng quay học tập quá tải đến mức chán, mệt và hoang mang.
Điểm rẽ hướng đến vào một mùa hè “chán quá không muốn về nhà”. Phương đăng ký một chương trình tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em người H’mông ở Sa Pa (Lào Cai). Những ngày tháng ăn ở cùng người dân vùng cao, Phương lần đầu nhìn thấy sự chênh lệch về điều kiện sống và y tế một cách rõ ràng.
“Chiều cao và vóc dáng của các em nhỏ ở đó nhỏ hơn mình rất nhiều. Lúc ấy, mình bắt đầu nghĩ rằng tình trạng sức khỏe ở vùng này thực sự không được đảm bảo”, Phương kể.
Không chỉ thiếu thốn dinh dưỡng, nhiều gia đình sinh con tại nhà và không cho con tiêm vaccine. Những điều tưởng chừng rất nhỏ ấy lại khiến một sinh viên ngành điều dưỡng trăn trở rất nhiều.
“Khi nhìn thấy thực trạng đó, mình thấy cần phải học lên nữa, để hiểu rõ hơn và có thể làm điều gì đó. Trải nghiệm ở Sa Pa như một chất xúc tác, một bước ngoặt định hình ngành học mà mình theo đuổi sau này”, nữ học viên thạc sĩ y khoa chia sẻ.
Chính chuyến đi này đã trở thành lợi thế giúp Phương vượt qua vòng một của quá trình tuyển sinh vào Đại học Harvard. Từ trải nghiệm thực tế, cô chọn ngành cung cấp y tế toàn cầu, một hướng học tập mà cô cho rằng có thể trực tiếp góp phần cải thiện chính những gì mình đã chứng kiến ở Sa Pa.
Phương tâm sự: “Lúc ấy mình nghĩ nếu mình học được, sau này có tiếng nói, có chuyên môn, thì có thể quay lại giúp được người dân ở đó. Không giúp tất cả, nhưng giúp được vài người cũng đã là đủ”.
Hiện tại, sau năm đầu tiên ở Harvard, Phương lại đang có mặt tại Sa Pa để thực hiện một đề tài nghiên cứu y tế cộng đồng. Cô tiếp tục ở đây đến cuối tháng 8 trước khi quay lại Mỹ cho năm học tiếp theo.

Khi được hỏi về kế hoạch sau khi tốt nghiệp, Thu Phương không giấu mong muốn trở về Việt Nam làm việc. Nhưng cô cũng chia sẻ thẳng thắn về những rào cản hiện nay như hệ thống nghiên cứu còn thiếu nguồn tài chính ổn định, cơ hội làm đúng chuyên môn ở vùng sâu vùng xa còn hạn chế.
Phương trải lòng: “Muốn về là một chuyện nhưng về để làm được điều mình muốn cần có đủ nguồn lực”.
Không bắt đầu với giấc mơ Harvard, Nguyễn Đỗ Thu Phương đi qua đại học bằng rất nhiều hoài nghi, mệt mỏi và trăn trở. Nhưng chính nhịp dừng lại ở Sa Pa, giữa những đứa trẻ lấm lem và bữa cơm chỉ có rau đã giúp cô xác định được điều quan trọng nhất: “Học để làm gì?”.
Khánh Ly
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/co-gai-viet-dat-diem-tuyet-doi-o-harvard-quyet-dinh-lot-xac-tu-chan-hoc-20250719064349629.htm
Bình luận (0)