Khánh Hòa hôm nay không còn mang dáng dấp của một tỉnh lẻ. Tầm vóc của tỉnh đang được định hình bởi các nghị quyết mang tầm chiến lược, với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Mới nhất, Nghị quyết số 01, ngày 14-7-2025 của Tỉnh ủy về tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025 - 2030 đã đặt ra một lộ trình đầy tham vọng: Tăng trưởng GRDP, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người liên tục đạt hai con số; kinh tế số đóng góp tới 35% GRDP; lọt vào tốp 10 cả nước về các chỉ số cốt lõi như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX) và đổi mới sáng tạo (PII).
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung vào bốn trụ cột động lực tăng trưởng kinh tế, gồm: Công nghiệp; năng lượng; du lịch, dịch vụ; đô thị, xây dựng. Song song với đó, tỉnh quyết liệt khơi thông ba “điểm nghẽn”, nút thắt đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành nhiều lần nhấn mạnh, đó là hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với sự tăng trưởng tập trung vào bốn trụ cột chiến lược mới, đòi hỏi một lực lượng lao động hoàn toàn mới, có kỹ năng chuyên biệt, trình độ công nghệ và tư duy hiện đại thay thế cho các lao động truyền thống. Điều đó đòi hỏi nhu cầu về lao động chất lượng cao sẽ tăng vọt, vượt xa nguồn cung hiện có. Trong bối cảnh ấy, các trường đại học ở Khánh Hòa đã nắm bắt tình hình thực tế để có chiến lược, kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Trường Đại học Nha Trang, với thế mạnh về khoa học biển, công nghệ và du lịch, đang cung cấp nhân lực trực tiếp cho chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh. Trường Đại học Thái Bình Dương, với các ngành mũi nhọn như: Truyền thông, thiết kế, logistics và công nghệ bán dẫn, cùng cam kết về việc làm cho sinh viên phù hợp với các trụ cột tăng trưởng của tỉnh đề ra. Cùng với Trường Đại học Khánh Hòa và các phân hiệu đại học khác, một hệ sinh thái giáo dục đang hình thành để đón đầu làn sóng phát triển.
Nếu chọn học tập tại quê hương, sinh viên có lợi thế nắm bắt được thị trường lao động tại chỗ, xây dựng được mối quan hệ với doanh nghiệp địa phương, có kinh nghiệm thực tiễn và sự am hiểu về môi trường kinh doanh tại địa phương được tích lũy từ đầu là một lợi thế mà sinh viên từ nơi khác trở về rất khó để có được. Và cuối cùng là một phép tính rất thực tế, đó là chi phí sinh hoạt tại Khánh Hòa thấp hơn nhiều so với TP. Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Mỗi gia đình có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, có thể lên tới 150 - 200 triệu đồng cho 4 năm đại học. Nhưng đừng chỉ xem đó là tiền tiết kiệm, hãy xem đó là "nguồn vốn chiến lược". Nguồn vốn đó có thể được tái đầu tư vào chính bản thân sinh viên, với những chứng chỉ chuyên môn quốc tế, những khóa học ngoại ngữ nâng cao, hay là vốn khởi nghiệp cho một dự án nhỏ. Lựa chọn một trường đại học ở Khánh Hòa hôm nay chính là một quyết định được tính toán kỹ lưỡng để trở thành người tiên phong tại vùng đất đang ở ngưỡng cửa của sự phát triển bứt phá. Đó là sự lựa chọn để xây dựng tương lai của bản thân bằng chính việc góp phần xây dựng tương lai của quê hương Khánh Hòa.
ĐĂNG NGUYÊN
(Giảng viên, chuyên gia tuyển sinh đại học)
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202507/co-hoi-khi-chon-nguyen-vong-hoc-tap-tren-que-huong-khanh-hoa-f6c0e77/
Bình luận (0)