Tổ hợp tác phát triển và chăn nuôi lợn rừng lai Hương Lộc có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm |
Nâng cao hiệu quả
Tổ hợp tác phát triển và chăn nuôi lợn rừng lai Hương Lộc (ở xã Hương Lộc, huyện Phú Lộc) mới thành lập cách đây 2 năm với 5 hộ thành viên tham gia, có tổng vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đồng. Đến nay, tổ hợp tác này đã mở rộng tổng diện tích chuồng trại khoảng 3.000m2; doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Pha, thành viên tiêu biểu của Tổ hợp tác phát triển và chăn nuôi lợn rừng lai Hương Lộc cho biết, sau khi tham gia vào tổ hợp tác, gia đình anh đầu tư diện tích chuồng trại khoảng 400m2. Từ lúc bắt đầu việc chăn nuôi, gia đình anh chỉ có 4 con lợn nái và hơn 30 con lợn thịt, đến nay tổng số lợn nái đã lên 24 con và xuất ra thị trường hơn 250 con lợn thịt/năm, cho thu nhập ước đạt 550 triệu đồng/năm.
“Vốn là hộ gia đình khó khăn, sau khi được HND địa phương quan tâm vận động, cùng sự giúp đỡ của các hội viên nông dân, tôi đã thực hiện được mô hình chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập cao. Với mô hình liên kết này, đã mở ra điều kiện cho các hội viên trong tổ có cơ hội làm giàu...”, anh Pha chia sẻ.
Chi hội chứng chỉ rừng FSC Hòa Lộc do ông Hồ Đa Thê, hội viên nông dân ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc làm chủ cũng là đơn vị điển hình trong liên kết sản xuất. Trước thực trạng trồng rừng truyền thống theo chu kỳ kinh doanh 4-5 năm khai thác, sản phẩm gỗ chỉ bán để làm nguyên liệu giấy với giá rẻ, không ổn định đầu ra dẫn đến hiệu quả kinh tế từ rừng trồng thấp. Được sự tuyên truyền, vận động của các cấp HND địa phương, ông Hồ Đa Thê đã tiên phong đứng ra vận động các lâm hộ ở địa phương thành lập Chi hội chứng chỉ rừng FSC Hòa Lộc, với 25 thành viên, có tổng diện tích rừng hơn 189ha. Sau 7 năm thành lập, tất cả rừng trồng FSC của các thành viên thuộc chi hội cho khai thác, đạt sản lượng gỗ bình quân từ 200-220m3/ha, tỷ lệ gỗ vanh tăng từ 60-70%, đưa giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC lên đến 250 - 300 triệu đồng/ha. Rừng trồng gỗ nhỏ 5 năm khai thác lợi nhuận chỉ khoảng 80-90 triệu đồng/ha, thì trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC có hiệu quả cao hơn nhiều lần. Vì vậy, chỉ sau vài năm, chi hội đã mở rộng lên 55 thành viên, với tổng diện tích gần 550ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Theo ông Hồ Đa Thê, mô hình liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành viên tham gia. Qua đó đã thúc đẩy bà con mạnh dạn vay vốn mở rộng diện tích, góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng quy mô lớn, tạo việc làm thường xuyên cho hội viên nông dân trên địa bàn.
Cơ hội mới cho nông dân
Theo Chủ tịch HND thành phố Huế, ông Nguyễn Chí Quang, việc xây dựng chi, tổ HND nghề nghiệp để hướng đến thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác ở các cấp HND luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp hỗ trợ của chính quyền các cấp. Hàng năm, HND các cấp đều ký các chương trình, kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành để tổ chức hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác; hướng dẫn xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; tham gia các hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm, liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp, các siêu thị, các chợ đầu mối để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, toàn thành phố đã thành lập được 30 chi HND nghề nghiệp với 446 thành viên, 265 tổ HND nghề nghiệp với 2.317 thành viên... Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, các chi, tổ hội đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho hội viên trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân.
Ưu điểm tiếp theo là các thành viên có cùng loại hình sản xuất nên thuận lợi trong trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, thông tin về giá cả thị trường, giải pháp sản xuất hiệu quả, thống nhất đầu tư vào sản xuất, hỗ trợ nhau về giống, vốn, nhất là liên kết chặt chẽ trong sản xuất... Nhiều tổ hội hoạt động hiệu quả có thể tiến đến phát triển thành hợp tác xã. Điển hình như Tổ hội nuôi cá chình tại xã Vinh Mỹ có 25 thành viên, doanh thu hằng năm đạt 1,2 tỷ đồng; Tổ hội nuôi trồng xen ghép tại thị trấn Sịa với 20 thành viên, thu nhập hằng năm đạt trên 1,3 tỷ đồng...
Các mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp đang được các cấp HND phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Qua đó, đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức cho hội viên nông dân, giúp bà con thấy rõ tính cấp thiết của việc phát triển sản xuất quy mô lớn, liên kết, hợp tác, nhằm thúc đẩy chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị, giúp nông dân từng bước làm giàu...
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/co-hoi-moi-cho-nong-dan-152258.html
Bình luận (0)